Chuyện là, ngày đang còn công tác, tôi được phân theo dõi khối các cơ quan Trung ương, trong đó có lực lượng Quân đội, cơ may tôi được đến thăm Binh chủng Hải quân. 

Binh chủng Hải quân đóng ở thành phố biển Hải Phòng. Hôm đó tôi được gặp hầu hết các thành viên trong Đảng ủy Quân chủng, nghe các đồng chí trao đổi công việc và kể chuyện gia đình. 

Tôi rất ấn tượng khi nghe Đảng ủy viên Hoàng Xuân Kỳ kể gia đình có cậu con trai đầu khỏe mạnh, học rất giỏi: “Con nên đi học ngành kinh tế cho nhàn”, tôi khuyên. Nhà báo biết nó trả lời thế nào không? “Con thi vào Học viện Hải quân". Làm Hải quân như cha đây cực thấy mồ”, tôi bảo. Nó tuyên bố một câu thẳng băng như viên đạn rời nòng: “Cực mới tỏ chí làm trai”. Thế thì vợ chồng tôi chỉ còn biết động viên cháu gắng học để thi đỗ. 

Từ năm 2005 tôi về hưu ít có thông tin, nhưng tôi tin chàng trai trẻ xứ Nghệ đã thực hiện được ước mơ, vì truyền thống gia đình, vì biển đảo nước ta vẫn đang cần những chiến sỹ có bản lĩnh như thế!

Và cũng thật may mắn, tôi được gặp Bí thư Đảng ủy Quân chủng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tình. Xấp xỉ 40 năm gắn liền binh nghiệp, trong đó có hơn 10 năm Bí thư là đặc công nước, gắn liền với những chiến công hiển hách của Binh chủng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, đánh chìm tàu địch ở Cửa Việt. 

Nghe Bí thư nhắc đến địa danh Cửa Việt của tỉnh Quảng Trị, tôi vụt nhớ: Đầu năm 1974, khi đó tôi đang là học viên Lớp Viết văn trẻ khóa 6 của Hội Nhà văn Việt Nam, đi thực tế sáng tác ở Quảng Trị, tôi đã từng đến Cửa Việt. Nhóm nhà văn chúng tôi có một người Quảng Ninh, anh có người bạn đồng hương là lính đặc công nước, đơn vị anh bạn đóng quân ở Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh. Đơn vị đặc công nước có biệt danh: “Đêm Nam ngày Bắc”, đêm đêm đơn vị vượt sông Bến Hải vào điều nghiên, đánh giặc, sáng ra lại rút về địa đạo Vịnh Mốc ém quân.

Tôi khoe với Bí thư Tình, ông cười rổn rảng: “Chán nhỉ, ngày đó anh em mình không gặp nhau. Người lính của bạn em quê ở Giếng Đáy, Quảng Ninh, ít lâu sau đã hy sinh. Anh nhớ rõ trường hợp này vì theo chính sách hậu phương quân đội, đơn vị đã đưa vợ con đồng chí ấy từ xã Vĩnh Quang, Vĩnh Lĩnh về Giếng Đáy sinh sống. 

Nghe chuyện chúng tôi lặng đi. Lát sau, Bí thư Đảng ủy Tình trở lại với công việc, ông cho biết: Trong lực lượng vũ trang, mỗi binh chủng có thế mạnh và khó khăn riêng, song có lẽ chiến sỹ Hải quân là gian khó nhất. Khi tham chiến, họ không có địa hình, địa vật để lợi dụng, họ phải luôn đối mặt với sóng gió, nếu có hy sinh thì thường không tìm thấy xác. Đấy cũng là tổn thất lớn đối với các gia đình của chiến sỹ. Do đó, đòi hỏi chiến sỹ Hải quân phải có bản lĩnh và ý chí chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó! 

Câu chuyện của chúng tôi vẫn đang sôi nổi thì có chiến sỹ vào cho biết: Xe đưa phóng viên đi thăm đơn vị đã sẵn sàng. Thật bất ngờ, nhân biển số xe và tàu thuyền của Quân chủng là QH… Bí thư Tình hóm hỉnh. Lính Hải quân vất vả là thế, xong dù lên rừng hay xuống biển vẫn cứ QH, xin lỗi nhà báo nôm na ra là Cu Hát… tôi bật cười. Và tôi biết với những người lính Hải quân thì tiếng cười đã góp phần làm nên chiến thắng.

Vâng, trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Bí thư Đảng ủy Quân chủng cũng như nhiều người lính luôn quả cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc, gắn bó mật thiết với nhân dân, với đồng đội. Vậy mà, trong thời bình cũng chính không ít con người ấy đã ít nhiều buông lơi trách nhiệm của mình, vi phạm Điều lệ Đảng đến mức tổ chức Đảng phải xử lý kỷ luật. Không ai khác đó chính là Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Tình, vừa bị tổ chức Đảng kỷ luật cảnh cáo. 

Dù không cố ý, nhưng Bí thư Nguyễn Văn Tình đã có sai phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng thao túng, vi phạm pháp luật về quản lý đất đai trong nhiệm kỳ từ 2005 - 2010, gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức Đảng trong Quân đội, dẫn đến một số cán bộ, đảng viên vi phạm phải xử lý hình sự… Và tất nhiên, ở cương vị người đứng đầu tổ chức, Bí thư Tình không thể vô can!

Từng được trao đổi công việc và cũng có sự kính trọng về sự trưởng thành của nguyên Bí thư, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tôi chỉ thấy xót xa. Và tôi cứ vân vi viên đạn bọc đồng trong thời chiến không giết được người lính, nhưng người lính chiến ấy đã gục ngã trong thời bình, trước viên đạn được bọc... đường của kẽ hở cơ chế, của thói xu nịnh, cơ hội… bằng nhiều mánh khóe rất tinh vi của của thói háo danh, ích kỷ, lợi dụng siêu công nghệ, kỹ thuật mà những người lính trung thực, quả cảm đi ra từ chiến tranh khó lường, mắc bẫy là vậy.

Thật tâm tôi không muốn nhắc lại nỗi đau này, nhưng với tấm tình của người cầm bút muốn rằng: Khi ta nhớ đến nhau đều là điều tốt đẹp nên tôi phải viết. Tôi tin nguyên Bí thư Nguyễn Văn Tình có đọc được cũng thể tất cho tôi, ngõ hầu làm bài học cảnh tỉnh cho ai đó.

Đoàn Thị Ký