Ngày 25/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Một trong những nội dung nhận được nhiều tranh luận của đại biểu (ĐB) là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước.

Thêm “kênh” lựa chọn

Cho ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, không nên giao thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Theo bà, đây là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập.

“Nếu phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này lại tham gia giám định thì không đảm bảo tính độc lập, khách quan”, nữ ĐB đoàn Hải Dương nói.

Chung quan điểm, theo ĐB Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang), Kiểm toán Nhà nước không có chức năng quản lý Nhà nước. “Bổ sung nhiệm vụ giám định cho Kiểm toán Nhà nước là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của kiểm toán và không đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật”, bà Thuý nói.

ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) lưu ý thêm, “giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp sẽ phát sinh biên chế, kinh phí tổ chức bộ máy”.

Giơ biển tranh luận, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (ĐBQH đoàn Phú Yên) cho hay, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp và đụng chạm, nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định, cũng như bản thân những người tham gia giám định.

“Từ năm 2013 cho đến năm 2018, trong lĩnh vực tài chính chỉ trưng cầu giám định 241 vụ việc nhưng vẫn có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy”, ông Học nói và cho rằng, nếu Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định thì sẽ có thêm “kênh” để lựa chọn.

Vị ĐBQH đoàn Phú Yên tin rằng, Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia giám định để cho một kết luận khách quan, chính xác. Hơn nữa, theo ông Học, nếu vụ án xảy ra trong lĩnh vực của tài chính, nếu trưng cầu giám định thuộc Bộ Tài chính thì rõ ràng sẽ thiếu khách quan.

“Nhiều ĐB cho rằng, kiểm toán là độc lập, nếu trưng cầu giám định sẽ ảnh hưởng đến chức năng độc lập của kiểm toán. Nhưng tôi cho rằng không phải như vậy. Giữa hoạt động kiểm toán và giám định tư pháp là có một điểm chung. Đó là, đòi hỏi tính độc lập, đòi hỏi tính khách quan và cũng đòi hỏi sự tuân theo pháp luật”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương phân tích.

Không nên vì khó khăn mà “cơi nới” thẩm quyền?

Tranh luận lại với ĐB Học, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH Bình Dương) cho rằng, bổ sung thêm nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước sẽ mất đi nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy. 

"Đảng có nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan làm, nếu cứ vì khó khăn trong thực tiễn, nói đảm bảo tính độc lập, tính khách quan mà “cơi nới” thẩm quyền thì sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy", ông Hồng nêu ý kiến.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH Bình Dương). Ảnh: N.Thắng

 

Ngược quan điểm với ĐB Hồng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH đoàn Quảng Bình) tán thánh với ý kiến của ĐB Học. Theo ông Cường, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng… Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã chỉ ra bất cập này, do đó, cần phải tập trung sửa đổi để khắc phục.

Ông Cường cho hay, trong lĩnh vực tài chính, có những trường hợp người vi phạm là cán bộ quản lý của các bộ, ngành có liên quan nên dễ dẫn đến trường hợp từ chối, đùn đẩy, né tránh thực hiện giám định hoặc giám định không khách quan khi trưng cầu bộ, ngành đó.

“Thêm một cơ quan có chuyên môn cao không làm quản lý Nhà nước thực hiện giám định sẽ tạo điều kiện cho giám định khách quan, chính xác và kịp thời”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh và lưu ý thêm, lĩnh vực tài chính là then chốt trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản Nhà nước, cũng như trong phòng, chống tham nhũng. Việc giao thêm một cơ quan có nhiệm vụ giám định tư pháp với lĩnh vực đặc biệt này là điều hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Cường, nội dung bổ sung nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước tại dự thảo luật là chưa đầy đủ và phù hợp. Vì tách biệt khỏi quy định về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH đoàn Quảng Bình). Ảnh: N.Thắng

 

“Do đó, sẽ không rõ Kiểm toán Nhà nước có phải thực hiện trách nhiệm thường xuyên rà soát, cập nhật đăng tải danh sách người giám định trên cổng thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước hay không? Có phải gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung không? Có bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp thẻ giám định viên không? Việc trưng cầu Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định có phải thực hiện theo quy định tại Điều 20 hay không?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu và đề nghị, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước vào dự thảo luật.

Đề xuất áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Thanh tra quy định, người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Tuy nhiên, pháp luật về thanh tra chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trưng cầu và thực hiện giám định, cá nhân, tổ chức nào thực hiện giám định...

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, dự thảo Luật bổ sung quy định: Trường hợp tổ chức giám định tư pháp, cơ quan, tổ chức chuyên môn quy định tại Luật này được cơ quan thanh tra trưng cầu giám định theo quy định của Luật Thanh tra thì áp dụng các quy định về tiếp nhận, thực hiện giám định và các quy định khác có liên quan của Luật này để thực hiện giám định. Kết luận giám định trong trường hợp này không phải là kết luận giám định tư pháp.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tư pháp, phương án quy định như dự thảo Luật là không hợp lý. Vì vậy, cần rà soát và có phương án sửa đổi phù hợp.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để có cơ sở pháp lý thực hiện quy định về trưng cầu giám định của người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra (không phải là giám định tư pháp), có thể bổ sung quy định vấn đề này vào nội dung giải thích từ ngữ tại dự thảo luật và quy định trình tự, thủ tục thực hiện giám định tại các điều khoản liên quan khác.


Hương Giang