Thông báo bằng văn bản cho người TC sau 5 ngày

Điều 52 quy định, cơ quan công an, cơ quan thanh tra Nhà nước có thẩm quyền giải quyết TC có nghĩa vụ thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận TC về hành vi tham nhũng.

Nghị định cũng quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền thụ lý, giải quyết TC hành vi tham nhũng. Theo đó, trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết TC hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật TC, Luật PCTN và Nghị định này. Chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận TC, cơ quan công an, cơ quan thanh tra Nhà nước phải chuyển hồ sơ TC cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người TC; trường hợp TC thuộc thẩm quyền của mình thì thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người TC khi có yêu cầu.

Công dân TC hành vi tham nhũng qua TC trực tiếp; gửi đơn TC; TC qua điện thoại; TC qua mạng thông tin điện tử. Người TC phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung TC và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung TC mà mình có. Những TC về hành vi tham nhũng mà người TC mạo tên, nội dung TC không rõ ràng, thiếu căn cứ, những TC đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay TC lại nhưng không có bằng chứng mới thì không được xem xét, giải quyết.

Khi công dân TC trực tiếp thì người tiếp nhận phải ghi lại nội dung TC, họ, tên, địa chỉ người TC, khi cần thiết thì ghi âm lời TC. Bản ghi nội dung TC phải cho người TC đọc lại, nghe lại và ký xác nhận. Thời điểm tiếp nhận TC tính từ ngày người TC ký xác nhận vào bản nội dung TC.

Trường hợp đơn TC được gửi theo đường bưu điện thì thời điểm tiếp nhận TC là ngày nhận được đơn TC; Trường hợp đơn TC được gửi trực tiếp thì người tiếp nhận phải làm giấy biên nhận; thời điểm tiếp nhận đơn TC là ngày ghi trên giấy biên nhận.

Ngay sau khi nhận được TC qua điện thoại, bằng thông điệp dữ liệu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được TC phải tiến hành xác minh lại họ tên, địa chỉ của người TC theo thông tin người TC cung cấp, áp dụng theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Đối với những TC không rõ họ, tên, địa chỉ người TC nhưng nội dung TC rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác PCTN.

Kết luận về nội dung TC được công bố công khai

Về thủ tục thụ lý, giải quyết TC về hành vi tham nhũng, xử lý các vi phạm về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết TC, Điều 56 - 57 quy định, thủ tục thụ lý, giải quyết TC về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về TC, Luật PCTN và Nghị định này. Kết luận về nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC phải được công bố công khai và được gửi cho cơ quan công an, cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp và gửi cho người TC khi có yêu cầu. Trong trường hợp kết luận nội dung TC không đúng sự thật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TC phải công khai kết luận đó và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý người cố tình TC sai sự thật.

Người có trách nhiệm tiếp nhận TC không tiếp nhận TC, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TC thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có trách nhiệm giải quyết TC không thụ lý TC, không giải quyết TC thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật; nếu cố tình làm trái các quy định về TC và xử lý TC của Luật PCTN, Nghị định này và pháp luật về TC vì động cơ cá nhân thì bị coi là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật PCTN và bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về việc bảo vệ, khen thưởng người TC. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người TC. Việc bảo vệ người TC được thực hiện theo quy định của pháp luật về TC.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Khen thưởng người có thành tích trong việc TC tham nhũng được thực hiện theo pháp luật về TC và khen thưởng.

Quỹ khen thưởng về PCTN được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; được lấy từ ngân sách Nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân.

Việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN do Thanh tra Chính phủ thực hiện theo pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Lê Nguyên