“Tôi rất hoan nghênh và đồng tình khi đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - PV) sửa đổi quy định này. Tôi đề nghị làm sâu sắc hơn để nâng cao trách nhiệm, cũng như hiệu lực hiệu quả của quá trình thanh tra, kiểm toán”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Cần đổi mới cơ chế phối hợp giữa 3 cơ quan

Tuy nhiên, ông Quyền băn khoăn, nhiều năm qua, khi gặp những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan thanh tra thường giữ hồ sơ rất lâu sau đó mới chuyển cho cơ quan điều tra. Lúc đó, chứng cứ có khi biến hết rồi. Một trong những nguyên nhân là do cán bộ thanh tra chưa được đào tạo nghiệp vụ tố tụng nên không xác định được hành vi đó có phải tội phạm hay không.

“Quy định xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán nên giữ như luật hiện hành”, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp nói. Tức là, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra. Thảo luận dự án Luật PCTN (sửa đổi) tại Quốc hội Kỳ họp 4 (tháng 10/2017), nhiều ý kiến cũng có quan điểm này.

Giải trình mới đây, Chính phủ cho rằng, việc đổi mới cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một nội dung quan trọng của dự thảo luật.

Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; khắc phục những hạn chế đã được phát hiện qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN. Cũng như, làm rõ trách nhiệm của 2 cơ quan thanh tra, kiểm toán trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán Nhà nước.

Thực tiễn cũng cho thấy, cần phải kết luận, làm rõ về tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, đặc biệt các vụ việc tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Nhưng do pháp luật không rõ ràng nên số vụ việc kết luận được cụ thể về tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng còn thấp hơn so với khả năng thực tế và mong đợi của Nhà nước, Nhân dân.

Thanh tra, kiểm toán phải làm rõ tính chất, mức độ tham nhũng

Để đảm bảo tính đồng bộ với các quy định trong hệ thống pháp luật, Chính phủ đề xuất chỉnh lý lại quy định xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán trong dự thảo Luật PCTN.

Theo đó, kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng.

Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng; khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay nội dung, tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết…

Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung đã quy định, “người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán, trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân, tổ chức có liên quan phải bị xem xét xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung”.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với chỉnh lý của dự án luật. Song nhóm nghiên cứu đề nghị, bỏ quy định trường hợp qua thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu của hành vi tham nhũng nhưng cơ quan thanh tra, kiểm toán không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì phải chuyển cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hành vi tham nhũng có thể là hành vi vi phạm pháp luật, cũng có thể là hành vi có dấu hiệu của tội phạm. Trường hợp hành vi tham nhũng không có dấu hiệu của tội phạm mà cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển tài liệu, đồ vật cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý là không phù hợp và không đúng với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành. Còn nếu vụ việc đã xác định có dấu hiệu của tội phạm thì việc chuyển tài liệu, đồ vật và kiến nghị khởi tố đã được quy định”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Thảo Nguyên