Tham nhũng “vặt” gây hậu quả không kém tham nhũng lớn

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tham nhũng “vặt” đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thậm chí đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối”, ông Trương Hoà Bình nói. 

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, tham nhũng “vặt” gây ra hậu quả cũng rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

“Có một bộ phận cán bộ hư hỏng gây ra tình hình này, nhưng bộ phận này lại không nhỏ, rải rác ở khắp nơi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Có người nói, đưa tiền thì họ mới làm, còn không đưa thì không làm, nhưng có người đưa rồi, xin rồi, nhận rồi nhưng không làm. Có phải bôi trơn nhưng chưa trơn, chưa đủ hoặc là không làm được, giải quyết thì anh sẽ chết nhưng cứ nhận”, Phó Thủ tướng cho hay.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, “mổ xẻ” nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để Chỉ thị 10 đi vào cuộc sống. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu nhấn mạnh, tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm. 

Trong khi, còn tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức nhằm được hưởng lợi không hợp pháp và để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng.

Vì vậy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành, UBND quận, huyện đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, thanh tra chuyên ngành đối với các ngành, lĩnh vực thường xuyên có dư luận về tiêu cực, “tham nhũng vặt”. 

“TP sẽ đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm và công khai một số vụ việc “tham nhũng vặt” điển hình”, ông Châu nói.

“Gãi đúng chỗ ngứa của người dân”

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng thừa nhận, một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ công an đã có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tha hóa, biến chất, nhũng nhiễu. 

Vì vậy, Bộ Công an đã ban hành các quy trình, quy định chặt chẽ trong từng lĩnh vực công tác, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, công khai, minh bạch trong công tác như công khai số điện thoại đường dây nóng, danh tính cán bộ sai phạm. 

“Việc công khai càng cụ thể, rõ ràng, tình trạng tham nhũng và nhũng nhiễu của cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ sẽ càng giảm”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nêu.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lưu ý, tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng “vặt” lại làm xói mòn lòng tin đó. 

“Chỉ thị số 10/CT-TTg ra đời, có thể nói là “gãi đúng chỗ ngứa của người dân”, bà Hải nói và đề cập đến tránh nhiệm của người đứng đầu. Theo bà, chỉ thị đã nêu rất rõ vấn đề này, nhưng khi tiếp xúc cử tri, người dân vẫn nói những câu rất đau xót. 

“Cử tri bảo, hiện tượng tham nhũng “vặt” ở cơ quan này như làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  chứng minh thư, khai sinh… người dân biết, doanh nghiệp biết, nhìn rất lộ liễu thì tại sao đứng đầu cơ quan đó không biết?”, Trưởng ban Dân nguyện cho hay và bày tỏ mong muốn, làm sao để chỉ thị triển khai khả thi, nghiêm minh để người dân không phải chịu đựng tham nhũng “vặt”.

Chung quan điểm, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, không thể nói người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, đơn vị không biết là ở khu vực nào, địa chỉ nào có nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. “Chắc chắn người đứng đầu phải biết và nếu tiếp tục để xảy ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, ông Bình nêu rõ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, tình hình trên chủ yếu do 5 nguyên nhân, trong đó đầu tiên là người đứng đầu chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm lại xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên khi bị phát hiện.

Chặn cho được “vòi vĩnh”, đòi “chung chi”

Kết luận hội nghị, nhắc lại quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, Phó Thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu. 

Trong đó, lưu ý một số ngành dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Thuế, hải quan, đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ hành nghề, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành…

“Những vụ việc gây bức xúc dư luận, được xã hội quan tâm thời gian qua hầu hết đều liên quan đến những lĩnh vực này. Từ việc cán bộ phường vòi vĩnh khi người dân xin cấp giấy chứng tử, cảnh sát giao thông nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông, cán bộ hải quan nhận tiền bôi trơn của doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa hay đến những việc nghiêm trọng hơn như hành vi dọa dẫm, đòi hối lộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành...”, ông Trương Hoà Bình nói.

Cho nên, từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm trọng điểm, các khâu, các lĩnh vực, vị trí quản lý nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh; phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của chỉ thị.

“Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Chỉ thị; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu, phải đảm bảo ngăn chặn cho được tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, phải phát huy được vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan Nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. 

“Phương châm là “có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì “tham nhũng vặt” cũng dẹp không xong”, ông Trương Hoà Bình nói, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm công việc; tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân; có lỗi thì phải công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm…

Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, theo dõi, giám sát, đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực…

“Thanh tra Chính phủ chủ trì rà soát, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ đánh giá, sơ kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình giao.

Quan tâm chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đề cập đến công tác thanh tra, chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng. “Vụ việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng làm cho người dân rất băn khoăn và đang trông chờ xem sự việc sẽ được giải quyết thế nào?”, Trưởng ban Dân nguyện đặt vấn đề.

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, ngành Thanh tra đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra 2 việc không mong muốn là vụ xảy ra ở thanh tra tỉnh Thanh Hóa và thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng.

Vì vậy, ngay sau khi vụ việc xảy ra ở thanh tra tỉnh Thanh Hoá, Thanh tra Chính phủ đã có Chỉ thị 769 ngày 17/5 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.

“Đối với thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý Nhà nước một phần thôi. Còn về công chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh. Khi xảy ra vụ việc này, tôi thấy, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cũng rất trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm”, Tổng Thanh tra nói.

Tư lệnh ngành Thanh tra cũng bày tỏ mong muốn, thủ trưởng các bộ, ngành, tỉnh, TP quan tâm thực hiện các nội dung trong Chỉ thị 769, đặc biệt tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.


Hương Giang