Thông tin trên vừa được ông Đức đưa ra tại Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn,” do Hội Địa chất kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Liên minh khoáng sản tổ chức sáng 21/3, tại Hà Nội.

Theo ông Đức, khai khoáng là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này lại đang đối mặt với không ít thách thức cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Thu ngân sách không tương xứng với mức độ khai thác, cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường.

Bên cạnh đó, mức độ minh bạch và ổn định đối với môi trường đầu tư lĩnh vực khai khoáng được đánh giá là thấp nhất, dẫn đến việc khó thu hút những dự án khai thác có công nghệ tốt và hiệu quả cao.

Đại diện Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng khẳng định, từ năm 2010 đến nay, mặc dù khung chính sách và pháp luật về tài nguyên khoáng sản đang từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa những chủ trương, quy định trên giấy và thực tiễn thi hành?.

“Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh.”

“Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác. Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế ‘xin-cho,’ nhưng đến nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn,” ông Đức nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng, hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản thường được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong năm 2013, Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên cũng đã đánh giá, Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng là “yếu” trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng...

Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn,." (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Từ thực trạng nêu trên, ông Tuấn đặt câu hỏi: “Giảm tham nhũng minh bạch trong khai thác khoáng sản cũng cần sáng tỏ như ánh sáng mặt trời. Vậy, tại sao Việt Nam lại đang rụt rè từ những báo cáo đến chính sách, trong khi các nước trên thế giới lại có thể thực hiện?. Hay việc này do lỗ hổng, do thiếu sót?.”

Trong khi đó, nhìn nhận tức góc độ cơ quan nghiên cứu địa chất, ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội địa chất kinh tế Việt Nam cho rằng, qua nghiên cứu ông nhận thấy thu ngân sách hiện nay không đúng với thực tế so với mức độ các doanh nghiệp khai thác, làm thiệt hại nguồn tài nguyên.

“Đối chứng với thực tế doanh nghiệp khai thác hiện nay, thì chúng ta đang ăn đầu ngọn mà không nghĩ đến vấn đề thiệt hại, thất thu về lâu dài. Đặc biệt là chưa chú trọng mối quan hệ hàm lượng công nghiệp tối thiểu. Thực tế này đỏi hỏi Việt Nam cần phải có sự đồng bộ giữa pháp luật khoáng sản và các pháp luật có liên quan,” ông Thụ nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng điểm yếu của Việt Nam hiện nay là do khoảng cách lớn giữa chủ trương, quy định trên giấy với công tác thi hành. Luật khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng.

Luật khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.

Ngoài ra quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép, từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh.

Theo NGUYỄN HÀ NAM-HÙNG VÕ (VIETNAM+)