Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đất nước có nhiều ngày lễ lớn, nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ rất lớn đối với ngành Nội chính Đảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam để làm rõ hơn những yêu cầu nhiệm vụ công tác của Ngành.

Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của ngành Nội chính Đảng đã đạt được trong năm 2019, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Năm 2019 có vị trí rất quan trọng của nhiệm kỳ 05 năm 2016-2021, kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2019 phản ánh/dự báo khả năng, mức độ thành công của cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, đất nước ta tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và mạnh mẽ, đạt được kết quả khá toàn diện, tạo khí thế mới, hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Trong những thành quả chung đó, có sự đóng góp rất tích cực của Ngành Nội chính Đảng, thể hiện trên các mặt công tác sau:

Một là, ngành đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, gắn với tham mưu kịp thời việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục sơ hở, bất cập để hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế-xã hội và thể chế phòng, chống tham nhũng.

Năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành 08 Đề án lớn, trên cơ sở đó trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Trong đó, việc bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; quy định về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu các cấp ủy; quy định về bảo vệ người tố cáo... là những chủ trương rất quan trọng, góp phần tạo nên những chuyển biến mới trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Để phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Báo cáo chuyên đề "Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng  từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, nhiệm vụ, giải pháp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ 2021-2025"; từ đó, chắt lọc một số nội dung cốt lõi về mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn về phòng, chống tham nhũng để đề xuất đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội.

Đồng thời, Ban Nội chính Trung ương đã tích cực tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo, định hướng hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng...

Ngoài ra, đã thẩm định, tham gia ý kiến đối với 28 dự án luật, 46 đề án, văn bản quan trọng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề nghị của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Hai là, ngành đã tăng cường công nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý khá kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2019, thực hiện chủ trương của Thường trực Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 12 cuộc giao ban an ninh nội chính hằng tháng với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ và các ban, bộ, ngành liên quan và 4 cuộc giao ban an ninh nội chính với các cơ quan Trung ương phía Nam.

Qua đó, đã đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, thống nhất trong dự báo và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đồng bộ, kịp thời đối với vấn đề an ninh biên giới, tình hình Biển Đông, an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh mạng, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài...

Ba là, ngành vừa làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; phát hiện và chấn chỉnh nhiều yếu kém, xử lý nghiêm nhiều sai phạm về kinh tế, tham nhũng; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ở các cấp, các ngành.

Năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đã ban hành 06 văn bản để hướng dẫn, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện các văn bản, quy định mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu triển khai 19 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo  và của các Thành viên Ban Chỉ đạo; tổ chức 05 đoàn khảo sát tại 12 cấp ủy, tổ chức đảng; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại 91 cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; tổ chức 20 hội thảo, hội nghị với sự tham gia của nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức 2 hội nghị toàn quốc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 938 cán bộ, công chức của 63 ban nội chính địa phương (đạt gần 94%); phối hợp giúp tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 lượt cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở 28 cơ quan, tổ chức và địa phương.

Bốn là, ngành Nội chính Đảng đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Năm 2019, Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý hơn 500 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Để tạo động lực cho công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ở các địa phương, Ban Nội chính Trung ương đã phát động trong toàn Ngành thực hiện Kế hoạch thi đua chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi "tham nhũng vặt"; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương, cơ sở.

Đặc biệt là, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, chủ động, kiên trì trong tham mưu, đề xuất về chủ trương, định hướng xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Trong đó, đã khởi tố thêm nhiều vụ án mới, bị can mới; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm hơn 140 bị cáo với những mức án nghiêm khắc, trong đó có một số trường hợp là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa tham nhũng, thể hiện tinh thần "quyết liệt, không nghỉ, không dừng" trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Điển hình là, đã tham mưu chỉ đạo kết thúc và đưa ra xét xử 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Điển hình như: Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Vinashin; Vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại VN Pharma; Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn; cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á; Vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng năm qua cũng đạt được kết quả rất tích cực. Chỉ tính riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong năm 2019 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch có giá trị trên 24.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, thành phố; công tác thông tin, tuyên truyền; tham gia ý kiến về công tác cán bộ, nhất là đối với diện nhân sự được giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026; công tác tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị; hợp tác quốc tế... đã được thực hiện có hiệu quả.

Có thể nói, trong năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đã đạt được kết quả tích cực trên cả ba mặt công tác: Nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo và ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan nội chính ở Trung ương và địa phương; tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Nội chính Đảng luôn đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, tận tụy, năng động, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chuyen bien moi trong cong tac chong tham nhung va cai cach tu phap hinh anh 2Ban Chỉ đạo Trung ương công bố kết luận kiểm tra về phòng, chống tham nhũng tại Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

- Trong năm 2019, một số vụ án tham nhũng tiếp tục được đưa ra ánh sáng, khẳng định quyết tâm của Đảng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ " trong đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Với vai trò Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm và các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng thời gian tới?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Quá trình tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. kinh tế trong những năm gần đây và nhất là trong năm 2019 đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý.

Đó là: Kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trước hết xuất phát từ quyết tâm cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nhất quán trong của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, đặc biệt là của đồng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đây là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phát huy cao độ trách nhiệm, năng lực trong thực thi nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám định, định giá tài sản và các bộ, ngành Trung ương, địa phương; giữa cơ quan tham mưu của Đảng, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương...; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải bảo đảm khách quan, toàn diện, làm rõ bản chất tham nhũng, mức độ phạm tội của từng bị can, bị cáo. Việc xử lý vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, mở đường để các đối tượng phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đồng thời, phải chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp xác minh, truy tìm, truy thu, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm về tham nhũng, kinh tế, phải tiến hành đồng bộ, kịp thời, nghiêm minh giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, dễ bị cám dỗ, tác động, chi phối; vì vậy cần chú trọng lựa chọn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Năm 2020, Ngành Nội chính Đảng sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Năm 2020, Ngành tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; nhất là tham gia góp ý hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tham mưu chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng. Tập trung xây dựng hoàn thành bốn Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch năm 2020.

Ngành chủ trì, phối hợp tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là các chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm và có hiệu quả các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần để công tác phòng, chống tham nhũng “không dừng, không nghỉ”; Tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án về tham nhũng, kinh tế; Tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng để kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Ban Nội chính Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2020; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, đề án, các văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Tham gia có trách nhiệm, chính xác, khách quan về công tác cán bộ, nhất là nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và nhân sự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngành làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các tỉnh ủy, thành ủy về công tác giải quyết đơn thư; tham mưu, giúp đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; Triển khai thực hiện Quy định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương... 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Quỳnh Hoa/TTXVN