Theo ThS. Phạm Thị Thu Hiền, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế, như: Số lượng vụ việc được phát hiện thông qua thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) không nhiều; hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm pháp luật về PCTN thuộc phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP chưa tập trung đi sâu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; việc phối hợp với các cơ quan có chức năng về PCTN trong phát hiện tham nhũng còn thụ động, thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao…

Từ thực tiễn trên, mục đích nghiên cứu của đề tài là đưa ra luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Theo đó, đề tài tiếp cận vào 3 nội dung: Một số vấn đề chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thanh tra trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP đối với hoạt động trên.

Tại hội thảo, TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện KHTT cho rằng, đề tài được nghiên cứu công phu với nhiều số liệu chi tiết. Tuy nhiên, đề tài cần tiếp cận nghiên cứu chia thành 2 nhóm: Thứ nhất về phòng ngừa tham nhũng; thứ hai về phát hiện, xử lý tham nhũng. Theo đó, nhóm phòng ngừa với các nội dung như xây dựng thể chế, thanh tra trách nhiệm, tuyên truyền pháp luật…; nhóm về phát hiện, xử lý tham nhũng về hoạt động thanh tra kinh tế, xã hội đối với các cơ quan Nhà nước và thanh tra các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TS. Đinh Văn Minh cũng nhấn mạnh, chương I, Chủ nhiệm Đề tài cần làm rõ bản chất của Cơ quan Thanh tra là cơ quan tham mưu chứ không phải là cơ quan bảo vệ pháp luật. Do vậy, cần luận giải về vị thế và chức năng phát hiện và xử lý tham nhũng của TTCP trong giai đoạn hiện nay đang đứng ở đâu. Bố cục chương II cần sắp xếp lại cho logic. Phần giải pháp, kiến nghị tại chương III hướng vào ba nội dung chính như giải pháp về nhận thức về vai trò, vị trí của TTCP; kiến nghị sửa đổi luật và giải pháp tổ chức thực hiện. 

Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần kiến nghị TTCP có quyền khởi tố ban đầu khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhằm thực hiện tốt chức năng phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp thu và chỉnh sửa nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu trước khi tiến hành nghiệm thu cơ sở.

TH