Sáng ngày 8/6, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam”.

Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng

Theo báo cáo nhóm nghiên cứu, những năm qua, các chế tài xử lý tham nhũng liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nhưng Việt Nam còn thiếu hụt một số chế tài hữu hiệu. “Đầu tiên là chưa hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp”, TS Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu So sánh luật công, Viện Luật so sánh (thành viên nhóm nghiên cứu) nhấn mạnh.

Bà Thu cũng thừa nhận, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính vẫn còn nhiều tranh luận và là một thách thức lớn khi mà hệ thống kiểm soát tài sản, nhu nhập còn yếu kém.

Vậy giải pháp nào cho Việt Nam? Nhóm nghiên cứu đề nghị, trước mắt, cần tính toán lựa chọn các giải pháp bớt “cứng rắn” hơn nhưng hiện thực hơn như hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình; hoặc giới hạn trường hợp người nắm giữ tài sản phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp; hoặc khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.

Tại hội thảo, các chuyên gia bày tỏ ủng hộ, cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, cũng như thực hiện biện pháp khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. 

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao thì việc này là rất khó. “Ai khởi kiện, khởi kiện như thế nào, ai thi hành? Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng khó khả thi”, ông băn khoăn.

"Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự cần chuyển ngay sang cơ quan điều tra thì mới có “cơ may” kê biên, tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Tử hình mà không thu hồi được đồng nào thì không giải quyết được vấn đề gì cả. Tử hình là để thỏa mãn sự bức xúc của công chúng trong một giai đoạn nhất định thôi. Đã tham nhũng thì phải thu hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản, tịch thu tài sản phải là biện pháp bắt buộc chứ không phải tùy nghi", ông Độ đề xuất.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TN

Chuyển dịch tài sản hàng trăm tỷ… cực kỳ dễ dàng

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nêu: Làm sao đưa ra được khái niệm làm giàu bất hợp pháp ở Việt Nam, nếu như kiểm soát tài sản vẫn phụ thuộc vào sự tự giác của từng cá nhân, từng quan chức. “Kiểm soát tài sản là một trong những yếu tố đầu tiên để kiểm soát tham nhũng. Không kiểm soát được tài sản thì việc rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng là đương nhiên. Làm sao có khái niệm làm giàu bất hợp pháp khi tài sản chuyển dịch từ người này sang người khác hàng chục tỷ, trăm tỷ… cực kỳ dễ dàng”.

Ông đưa ra ví dụ, chủ tịch UBND tỉnh có 10 cái nhà. Nó có do con ông là giám đốc ngân hàng cỡ lớn chuyển tiền cho. Ai kiểm soát đươc khi ông con không thuộc diện phải kê khai tài sản. “Đấy là chưa kể quyền tài sản quy định trong Bộ luật Dân sự cực kỳ khắt khe. Đụng đến quyền tài sản là phải ra tòa, không cơ quan nào phán xét được. Anh là cơ quan hành chính làm sao có quyền thu hồi tài sản”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đưa thêm lý do khó khăn xử tội làm giàu bất hợp pháp.

Cũng vì chưa kiểm soát được tài sản kéo theo thu hồi tài sản tham nhũng thấp, tỷ lệ cao nhất chỉ hơn 10%.  Ông Quyền còn chỉ ra, với một nền công vụ chưa xác định được trách nhiệm từng vị trí thì khó mà xác định được trách nhiệm của người đứng đầu và những người có liên quan.

“Chúng ta loay hoay sửa Luật PCTN, nhưng không hoàn thiện các thiết chế để bảo đảm thực hiện thì không kỳ vọng gì nhiều trong việc cải thiện tình hình PCTN hiện nay”, ông Quyền lưu ý, tham nhũng là tội phạm ẩn nên cần phải có thiết chế đặc biệt.

Xử nghiêm, không dung túng cho tham nhũng

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng, là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, mục tiêu, cách tiếp cận trong công tác PCTN của Việt Nam hoàn toàn tương đồng với quốc tế.

“Chính sách PCTN của Việt Nam luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hệ thống các chế tài xử lý tham nhũng có từ cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến tù có thời hạn, chung thân và tử hình. Gần đây, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng chế tài xử lý tham nhũng trong khu vực tư và đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài.

Cùng với đó, hệ thống các chế tài xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức và buộc thôi việc đã được quy định trong Luật PCTN và một số văn bản khác.

Thảo Nguyên