Giữ mãi niềm tự hào về truyền thống

+ Thưa đồng chí, 33 năm công tác của đồng chí có đến 12 năm công tác trong ngành Thanh tra. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập ngành Thanh tra?

- 74 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành Thanh tra là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, nhiều thách thức. Nhìn lại chặng đường đó, ắt hẳn mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Thanh tra đều rất đỗi tự hào. Tôi cũng vẫn giữ nguyên niềm tự hào ấy. Và tôi tin rằng, dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, ở bất kỳ thời điểm nào, các thể hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của ngành là “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”, hết sức, hết lòng vì nhiệm vụ.

Nhìn lại lịch sử ngành Thanh tra, chúng ta đều không quên nhiều đồng chí đã có công lớn với ngành Thanh tra và để lại tấm gương sáng về sự trung thành, gương mẫu, tận tụy, liêm khiết như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Cù Huy Cận, Trần Đăng Ninh, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Lộc, Trần Nam Trung, Bùi Quang Tạo, Nguyễn Văn Chính và nhiều đồng chí khác… Đây cũng là những lãnh đạo uy tín của ngành do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, tin cậy giao nhiệm vụ và ký Sắc lệnh bổ nhiệm.

+ Đồng chí vừa trân trọng nhắc đến sự quan tâm, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Thanh tra và những tấm gương sáng của ngành. Hẳn là những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tươi mới với mỗi cán bộ ngành Thanh tra, thưa đồng chí?

- Đúng là như vậy! Ngay từ khi thành lập nước 2/9/1945 đến năm 1969, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 38 Sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra. 3 lần Bác đến dự và phát biểu với Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc vào các năm 1957, 1960, 1961. Bác cũng có nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có Nghị quyết, Chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, Chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với Nghị quyết, Chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”. Từ đó, lời dạy của Bác “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của mình.

Nói chuyện với hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Bác nói: “Nhiệm vụ của các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.

Những quan điểm, tư tưởng trên đây của Bác đã được quán triệt, thể hiện sâu sắc trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta từ trước tới nay. Đặc biệt là trong Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân mới đây, giúp cho công việc này ngày càng có nền nếp, thực hiện thống nhất và có hiệu quả hơn.

Về phẩm chất của cán bộ thanh tra, trong bài nói chuyện tại Hội nghị thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác còn căn dặn “cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”… Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ thanh tra “phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.

Bác cũng nói: “Đối với cán bộ được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng. Đảng và Chính phủ có tin tưởng mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai, mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.

Viết tiếp những trang sử vàng

+ Đồng chí đã vừa ôn lại truyền thống của ngành, ôn lại những huấn thị quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Thanh tra. Thưa đồng chí, kỷ niệm nào với ngành Thanh tra khiến đồng chí nhớ nhất?

- (Cười) Kỷ niệm với ngành Thanh tra thì tôi có rất nhiều. Vì 33 năm công tác của tôi thì có đến hơn nửa thời gian gắn bó với công tác thanh tra, kiểm tra.

Tôi cũng là người chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng, nhiều sự kiện quan trọng của ngành Thanh tra khi ở những cương vị công tác, lứa tuổi khác nhau với niềm tự hào, vinh dự.

Nhớ nhất và rất tự hào khi tôi cùng với lãnh đạo TTCP đứng lên bục đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng cho ngành, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Thanh tra.

Tôi còn nhớ rõ khi đó Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã xác định, với tinh thần cầu thị, quyết tâm, trách nhiệm, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra phấn đấu hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ then chốt.

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế của hoạt động thanh tra, gắn với xây dựng qui chế, qui trình nghiệm vụ thanh tra đi vào nền nếp; từng bước chuyển công tác thanh tra theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp; khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ thanh tra trong hoạt động quản lý nhà nước mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Hai là, tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra, thể hiện tính khoa học, cách mạng, đổi mới trong điều hành hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả trong hoạt động thanh tra, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Ba là, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn sâu, rộng, phẩm chất đạo đức trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không vụ lợi, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng.

Tôi nghĩ, sự phát triển của đất nước và đòi hỏi của thời kỳ đổi mới đang đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trong đó có ngành Thanh tra.

Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng tôi tin rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, với sự đoàn kết, quyết tâm cao độ của Tổng Thanh tra và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu để viết tiếp những trang sử vàng của ngành một cách mạnh mẽ và vững vàng.

+ Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thúy Nhài - Thân Giang (Thực hiện)