Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2018, toàn ngành Kiểm sát đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản Quốc hội giao. Các mặt công tác đều có những chuyển biến tích cực.

Giảm oan, sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát

Ngành Kiểm sát đã tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố trong lĩnh vực hình sự cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ truy tố đạt rất cao, giảm đáng kể các trường hợp Viện Kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, cũng như giảm các trường hợp oan, sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát.

Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên. Nhiều kiểm sát viên đã chủ động tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm rõ nội dung vụ án, đặc biệt là tại một số phiên tòa xét xử các vụ án lớn được cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Đề cập đến nhiệm vụ năm 2019, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình tội phạm vi pháp luật trong những năm tới dự báo có nhiều diễn biến phức tạp.

Từ đó, bà đề nghị, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội danh.

Cùng với đó, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, hoặc phải thay đổi tội danh, các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm và hành vi phạm tội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh yêu cầu chống làm oan người vô tội thì cần chú trọng chống bỏ lọt tội phạm, bảo đảm mọi tội phạm phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

“Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong quá trình xét xử các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và yêu cầu xử lý nghiêm minh các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bảo đảm các hoạt động tư pháp tuân thủ đúng quy định của pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đẩy nhanh xử án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, ngành Kiểm sát tiếp tục chủ động, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, những vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tích cực đề xuất và triển khai các biện pháp nhằm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, ngành Kiểm sát cần tăng cường năng lực, bảo đảm cho cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo thẩm quyền…

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, toàn ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ kiểm sát “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; nhất định hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra với gần 15.000 vụ; yêu cầu khởi tố, thay đổi, bổ sung và hủy bỏ hơn 700 quyết định khởi tố bị can.

Đáng chú ý, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã làm tốt hơn vai trò kiểm sát để xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để các vụ án về tham nhũng, kinh tế; số vụ án được phát hiện, khởi tố mới là 320 vụ/706 bị can, tăng 31,1% số vụ và 13,9% số bị can.

Công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân có chuyển biến mạnh mẽ; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 91,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; phát hiện khởi tố mới tăng 11,8% số vụ, 34% số bị can. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 53,8%....

Hương Giang