Sáng ngày 7/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Đất Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chể thế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với nền kinh thế thị trường định hướng XHCN trong Luật Đất đai 2013”.

Nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai… rất lớn

Theo PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ là đại diện cho chủ sở hữu. 

“Thực tế, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước thường quan trọng hơn quyền của người sử dụng đất trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Người được giao quyền sử dụng đất chưa thể tham gia đầy đủ với tư cách vừa là người chủ sở hữu toàn dân vừa là người được giao quyền sử dụng đất”, PGS.TS Vũ Năng Dũng cho biết. 

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế nhận định: "Quyền thực thi lại tập trung trong tay một người cụ thể là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Họ có quyền lực rất lớn trong việc phân phối đất đai thông qua hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Điều nay tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm rất lớn".

Nhận thức được tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong cấu trúc “đa tầng, đa cấp độ” trong thực thi quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, Luật Đất đai 2013 đã bổ sung quy định về lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Vấn đề việc lấy ý kiến đóng góp của người dân thế nào? Trình tự, thủ tục ra sao?. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng chưa giải mã điều này. Các chuyên gia cho rằng, nếu không giải mã được những “điểm mờ” này thì quy định của Luật Đất đai chỉ là hình thức, không đi vào cuộc sống.  

Không giám sát dễ “tha hóa quyền lực Nhà nước”

Để người dân thực sự là chủ “sở hữu” về đất đai, chống quan liêu, tham nhũng, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin, trong đó quy định rõ thông tin nào thuộc bí mật quốc gia không công khai; thông tin nào về đất đai được cung cấp miễn phí hoặc có thu phí khi người dân có nhu cầu tìm hiểu. 

Quan trọng cần nghiên cứu, xây dựng Luật về giám sát xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý để người dân trực tiếp giám sát hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai. “Một khi quyền lực Nhà nước được giao vào tay một cá nhân mà thiếu sự kiểm soát, giám sát hoặc kiểm soát, giám sát kém hiệu quả rất dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền, “tha hóa quyền lực Nhà nước” vì tư lợi”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói.

Ths Nguyễn Thanh Lân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, cần tăng cường, đẩy mạnh sự hoạt động giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai; tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt, nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin công khai.

“Phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình việc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân; nghiên cứu xây dựng và vận hành hệ thống giám sát – đánh giá về thực thi pháp luật đất đai ở từng địa phương”, theo Ths Nguyễn Thanh Lân.   

Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ chế chính sách để bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá tình lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai quy hoạch, sử dụng đất. Bổ sung quy định về việc giải trình của cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với ý kiến chưa đồng tình của nhân dân với hình thức, trình tự, thủ tục giải trình cụ thể. 

Theo các chuyên gia, phải bổ sung quy định xử lý các chế tài cụ thể đối với trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân hoặc việc việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện không đúng quy định về thời gian lấy ý kiến là 30 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

Thảo Nguyên