“Diệt ruồi” 

Phó giáo sư Vũ Thu Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương, cho biết nghiên cứu kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở nước ngoài thì có nước thực hiện theo chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo.” “Đả hổ” là xử lý các vụ án tham nhũng lớn, “săn cáo” là truy bắt những đối tượng tham nhũng lẩn trốn ra nước ngoài, còn “diệt ruồi” là tương đương tham nhũng vặt ở Việt Nam. 

Kinh nghiệm “diệt ruồi” của nước ngoài là tăng cường kiểm tra, giám sát bằng cách thành lập các tổ công tác, kiểm tra. Các tổ công tác này khi thực hiện nhiệm vụ sẽ không đến cơ quan công quyền trước mà là mở các văn phòng tại địa phương, cơ sở để gặp dân trước; nghe nhân dân trình bày, phản ánh rồi sau đó kiểm tra, làm rõ đúng sai các phản ánh, bức xúc của người dân để đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm. 

Theo ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, tin báo, tố giác hành vi tham nhũng; qua đó phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính chất, mức độ sai phạm. 

Điển hình, Hậu Giang đã xử lý một số vụ việc như cán bộ văn phòng đăng ký đất đai "vòi" tiền của người dân để làm hồ sơ; cán bộ tư pháp nhận hối lộ trong việc giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố người nước ngoài. Cán bộ quản lý thị trường vòi vĩnh tiền doanh nghiệp; công chức thương binh và xã hội chiếm đoạt tiền chính sách; thẩm phán nhận tiền của đương sự; nhân viên thuế chiếm dụng tiền thuế của doanh nghiệp. 

Ông Phạm Văn Chuẩn, Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện và xử lý vụ tham nhũng vặt nào cả. Mặc dù nhiệm kỳ trước các vụ tham nhũng lớn, nhỏ gì đều có cả và phải xử lý nặng. 

Kinh nghiệm của huyện trong phòng chống tham nhũng và xử lý công tác nội chính từ đầu nhiệm kỳ đến nay là luôn chú trọng vai trò cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm minh sai phạm xẩy ra. Nếu phát hiện cán bộ có dư luận nghi ngờ thì sẽ mời làm việc, nhắc nhở. Nếu thực tế cán bộ có như dư luận thì kiểm điểm, uốn nắn; còn nếu có mà cán bộ chối không có thì sẽ điều tra và xử lý theo quy định. 

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cho rằng ông đi một số nước cho thấy chế tài trong công tác phòng chống tham nhũng rất nặng. Có nước quy định người nào phạm tội tham nhũng sẽ không được bất cứ cơ quan nhà nước nào thu nhận làm việc trở lại. Hay có nước quản lý về nguồn thu nhập hết sức chặt chẽ. Nếu người của nhà nước mua món hàng gì đó mà không chứng minh được nguồn tiền dùng để mua có từ đâu, sẽ bị xử lý nghiêm khắc. 

“Từ những nghiên cứu, tham khảo, đúc rút kinh nghiệm, thời gian tới Ban Nội chính Trung ương sẽ chủ trì, tham mưu xây dựng một đề án phòng, chống tham nhũng phù hợp, khả thi với Việt Nam,” Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cho biết. 

Hiệu quả từ trung tâm hành chính công 

Trung tuần tháng 5/2018, tỉnh Hậu Giang đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh tại số 09, đường Điện Biên Phủ, khu vực 4, phường 5, thành phố Vị Thanh. 

Ngay ngày Trung tâm hành chính công tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động, ông Phan Văn Còn ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến đây làm thủ tục về lý lịch tư pháp cho người con. 

Ông Phan Văn Còn cho biết các cán bộ Trung tâm hướng dẫn tận tình, chu đáo các bước thực hiện; nhất là không phải đi lại nhiều nơi để làm thủ tục vì đã có các phòng ban liên thông các sở, ngành nơi đây nên hồ sơ thủ tục được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, đơn giản. Đặc biệt là các thủ tục hành chính, cũng như tiến độ thực hiện đều được công khai trên hệ thống điện tử, nên yên tâm thực hiện, chờ đợi giải quyết. 

Ông Hồ Tấn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang, cho biết Trung tâm hành chính công của tỉnh tiếp nhận và giải quyết 1.245 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 15 sở, ban, ngành tỉnh. Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, phối hợp với thủ trưởng cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thông báo công khai tiến độ trên hệ thống phần mềm của trung tâm để các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết. 

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lê Minh Phương cho biết An Giang đang từng bước đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính một cách toàn diện, sâu rộng cả về thời gian, các bước thực hiện thủ tục lẫn thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. 

Đầu tháng 5/2018, An Giang đưa Trung tâm hành chính công của tỉnh vào hoạt động tiếp nhận và giải quyết 1.660 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành tỉnh. Đến nay Trung tâm đang hoạt động hiệu quả, giảm được thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, không còn tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch của cán bộ tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính nơi đây. 

Còn theo ông Đinh Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp, thời gian qua Đồng Tháp triển khai nhiều nội dung trong công tác phòng, chống tham nhũng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là phát hiện, đưa ra xét xử nghiêm minh, không có “vùng cấm” các vụ việc tham nhũng. Đồng thời, thực hiện môi trường đầu tư minh bạch, thể hiện các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) luôn được đánh giá thuộc nhóm những tỉnh có thứ hạng cao của cả nước. 

Vì Đồng Tháp quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền thân thiện, phục vụ vì lợi ích nhân dân. Tỉnh phấn đấu xây dựng một nền quản trị hành chính công hiệu quả để không còn cơ chế sinh ra tham nhũng vặt. Đồng thời, tỉnh cũng đo lường, giám sát thường xuyên bằng các chỉ số đánh giá năng lực, chất lượng hướng tới mục tiêu phục vụ dân và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. 

Theo ông Trần Văn Huyến, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, thì đối với tỉnh, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra từng bước được thể chế hóa và đi vào cuộc sống. Cùng với đó công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở được chú trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Từ đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. 

Đặc biệt, Hậu Giang thực hiện việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh, đề xuất, kiến nghị những bức xúc của bản thân cũng như tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Như trong năm 2017, Hậu Giang tổ chức ba cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua tiếp xúc đối thoại có 1.722 ý kiến và 115 ý kiến trực tiếp của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách, thủ tục hành chính, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên... Tất cả ý kiến đã được các sở, ban, ngành, địa phương xử lý, trả lời đầy đủ bằng văn bản. 

"Đây là mô hình mới, nhất là thông qua tổ giúp việc đã nắm bắt, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, bức xúc của người dân liên quan đến thực thi công vụ để đối thoại trực tiếp; từ đó lãnh, chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh kịp thời về đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi tiếp xúc, giải quyết công việc với người dân," ông Trần Văn Huyến, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết. 

Như vậy, các cơ quan chức năng, địa phương đang tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung quan trọng, nhằm góp phần ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng. 

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc, trên “nóng” rồi, dưới đang “ấm” dần lên, tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng nếu có sự chung tay thực hiện, nạn tham nhũng sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần xây dựng một bộ máy hành chính cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày một trong sạch, vững mạnh.

Theo PHẠM DUY KHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)