Chính phủ sạch làm gương

Chúc Tết, mừng tuổi là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện sự kính già, yêu trẻ trong đạo nghĩa dân tộc khi Tết đến, Xuân về. Có được một phong bao lì xì đỏ sắc Xuân mừng tuổi, người già cảm thấy ấm áp, còn trẻ nhỏ “vui như Tết” vì có tiền “nuôi” chú heo đất. 

Bên cạnh những người có động cơ trong sáng, thì những năm gần đây, nét văn hóa chúc Tết đã bị biến tướng, đánh mất thuần phong mỹ tục. Ở nhiều nơi, phong bao, phong bì chúc Tết được coi là quà để “lấy lòng”, “trả ơn”, hoặc “lễ ra mắt” cấp trên. Đôi khi, nó lại là nỗi lo, khiến cán bộ, công chức vì nhiều lý do khác nhau cũng phải “vò đầu, bức tai” nghĩ tặng quà Tết thế nào cho sếp. 

Đường phố Hà Nội những ngày giáp Tết đã quá tải, dễ bị kẹt xe vì dòng người hối hả đi sắm Tết, mua mua, bán bán thì lại bị “nhồi” thêm dòng xe ngoại tỉnh từ các địa phương, doanh nghiệp đổ về chúc Tết các cơ quan, bộ, ngành Trung ương. 

Lần này thì khác. Không văn bản, không chỉ thị, bằng một thái độ quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm”.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tinh thần của Thủ tướng là các địa phương phải chủ động, tập trung chăm lo Tết cho người dân, cùng với đó, bắt tay ngay vào công việc năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Quan trọng hơn, yêu cầu của Thủ tướng đã gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ và cả hệ thống hành chính liêm chính, trong sạch. 

Còn nhớ, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nhậm chức, một trong những chỉ đạo đầu tiên của ông là yêu cầu các địa phương, bộ, ngành không đến tặng hoa, chúc mừng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc này đã được chấp hành nghiêm túc. Bản thân các địa phương cũng cảm thấy thoải mái, không còn băn khoăn khi không đến chúc mừng được. “Tôi là người địa phương, tôi biết, mỗi lần Tết đến là lo lắm. Nên việc có công bố như vậy là rất phấn khởi cho các địa phương từ xa xôi. Đây cũng là một cách để thực hiện Chính phủ liêm chính”, Người Phát ngôn Chính phủ chia sẻ. 

Quyết sàng lọc, thay thế cán bộ làm việc kém hiệu quả

Hơn thế, yêu cầu không chúc Tết lãnh đạo cũng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Thủ tướng còn yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương; quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

Để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đưa ra một loạt giải pháp. Đó là, các bộ, ngành, địa phương chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, liên hoan, gặp mặt khi hội họp, được đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ,Tết… một cách xa hoa, lãng phí.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, cần kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cần có sự phân công, kế hoạch rõ ràng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đặc biệt lưu ý, cần đưa những vấn đề “nóng” này vào trong luật khi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng với chế tài mạnh mẽ hơn nhằm bịt kín mọi sơ hở có thể phát sinh tham nhũng. 

Với thực trạng đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, một mình Thủ tướng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cũng không thể làm nên mà cần cộng đồng trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, sự giám sát của các tầng lớp nhân để câu chuyện chúc Tết trở về ý nghĩa nhân văn, cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

Thảo Nguyên