Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, tại Việt Nam, tham nhũng được xác định là quốc nạn và PCTN luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của toàn bộ hệ thống chính trị. Vì vậy, nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh với quốc nạn này đã được thực hiện trong những năm qua.

Đây là năm thứ 3 TTCP tổ chức thực hiện đánh giá việc PCTN cấp tỉnh. Ở 2 năm 2016 và 2017, đánh giá cơ bản PCTN cấp tỉnh đã đạt được kết quả tốt, được cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn.

“Trong những năm qua, cấp tỉnh đã rất nỗ lực PCTN, thông qua công tác thanh tra, kiểm toán… Tiêu chí đánh giá càng ngày càng nâng cao cho thấy sự quan tâm của các cấp đến phương pháp đánh giá này”, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có những tiêu chí, nội dung cần tiếp tục rà soát, khảo sát, lắng nghe ý kiến từ các địa phương, đơn vị, để làm sao khi đánh giá về PCTN có sự gần nhau giữa đánh giá của cấp tỉnh và tổ công tác, sự chênh nhau ít đi ở tất cả các tiêu chí. 

Kết quả chỉ số PACA năm 2016 cho thấy, điểm bình quân toàn quốc do địa phương đánh giá là 71,68 điểm và điểm do TTCP chấm và đánh giá lại là 58,37 điểm, chênh lệch 13,31 điểm; Tương tự PACA năm 2017 là 67,33 và 60,67 điểm. Như vậy, điểm công tác PCTN giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. 

Nguyên nhân là do với hệ thống tài liệu, hồ sơ chưa đầy đủ, nguồn nhân lực thực thi chưa được đào tạo, cần có bước đi phù hợp với thực tiễn nên vẫn có những hạn chế nhất định trong đánh giá.

Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, thực hiện chỉ số PACA là hướng đi đúng đắn thích hợp, tuy còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện nhưng kết quả sẽ có giá trị tốt cho công cuộc xây dựng xã hội phát triển ổn định, lành mạnh, không tham nhũng. 

Ông Nguyễn Bình Minh, chuyên gia tư vấn trình bày báo cáo nghiên cứu về đánh giá chỉ số PCTN trong các cơ quan cấp tỉnh cho biết, để nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sử dụng một số tiêu chí như: Kết quả cụ thể của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; báo cáo kết quả tự đánh giá của các cơ quan Trung ương, các địa phương; hiệu quả, các chỉ số đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thăm dò dư luận xã hội, đánh giá của các tổ chức quốc tế; trong các báo cáo nghiên cứu về chính sách công như PCI, PAPI và một số báo cáo khác cũng có đề cập tới nội dung PCTN trong cơ quan Nhà nước…

Trong 2 năm 2016-2017, TTCP cũng đã thực hiện thí điểm phương pháp đánh giá công tác PCTN của UBND tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo ông Minh, Bộ tiêu chí đánh giá vẫn còn một số điểm chưa phù hợp thực tế, ở một vài tiêu chí, các địa phương cũng có cách hiểu khác nhau dẫn tới kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng bản chất của thực tế công tác PCTN.

Bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh, Trưởng phòng thanh tra PCTN (Thanh tra Hà Nội) cho rằng, trong nhiều năm qua, công tác PCTN luôn được Thành ủy, UBND TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm đều xây dựng kế hoạch công tác PCTN, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Theo bà Quỳnh, cần xác định rõ phạm vi đánh giá công tác PCTN để có các nội dung tiêu chí phù hợp, cơ cấu phân bổ điểm số phù hợp cũng như có các Bộ tiêu chí khác nhau ở cấp tỉnh, ở các Bộ, ngành Trung ương… Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng phạm vi PCTN ra ngoài khu vực công. Vậy, khi đánh giá công tác PCTN ở cấp tỉnh có xem xét đến kết quả PCTN ở lĩnh vực ngoài Nhà nước không?

Do vậy, đại diện Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc và xem xét việc sử dụng kết quả đánh giá của các bộ chỉ số: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá hoạt động cải cách hành chính (PAR-index) vào đánh giá công tác PCTN để tiết kiệm các nguồn lực.

Nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của Bộ chỉ số trong đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, ông Trần Văn Long đến từ Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cũng cho rằng, Bộ chỉ số là các phương tiện, công cụ quan trọng trong đánh giá công tác PCTN.

Theo ông Trần Văn Long, xây dựng các tiêu chí trong Bộ chỉ số cần được dựa trên một số các nguyên tắc, như: Đảm bảo tính thống nhất, công bằng và khách quan. Đảm bảo độ tin cậy, việc đánh giá phải đảm bảo tính độc lập của nguời đánh giá và mức độ minh bạch của quy trình đánh giá; bảo đảm gọn nhẹ và có hiệu quả; phải khả thi khi thu thập dữ liệu, nguồn số liệu có thể tiếp cận được dễ dàng; việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá phải thực hiện theo một quy trình mở và có sự tương tác với tất cả các cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: PA

 

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Akiko Fujii, Phó Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2015, UNDP hỗ trợ việc xây dựng Bộ chỉ số PACA. Chỉ số PACA 2016 là công cụ đánh giá công tác PCTN thực chứng đầu tiên ở Việt Nam và từ đó báo cáo PACA được TTCP công bố công khai.

Năm 2017, TTCP đã sử dụng Bộ chỉ số thực hiện đánh giá thí điểm công tác PCTN tại các tỉnh với sự tham gia của 62/63 tỉnh, thành phố. Căn cứ vào kết quả thí điểm lần thứ nhất, TTCP đã sửa đổi, đơn giản hóa Bộ chỉ số. Năm 2018 tiếp tục thực hiện thí điểm lần thứ hai.

“Luật PCTN 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới, vì vậy, Hội thảo ngày hôm nay vô cùng quan trọng, giúp chúng ta nhìn lại hai năm thực hiện chỉ số PACA ở Việt Nam, từ đó xác định những điểm cần cải thiện trong công tác đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Việc thi hành hiệu quả Luật PCTN năm 2018 là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, đặc biệt là Mục tiêu số 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh. Giải quyết được vấn đề tham nhũng sẽ tạo ra môi trường quản trị công kiến tạo, giúp thúc đẩy việc thực hiện tất cả các mục tiêu còn lại”, bà Akiko Fujii nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 27/3, tại Hà Nội, TTCP đã phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018. Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật PCTN năm 2018 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019), có phạm vi điều chỉnh được mở rộng đối với cả khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; và có nhiều điểm mới, nhất là việc kiểm soát tài sản, thu nhập. 

Hiện tại, TTCP đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo này sẽ là tiền đề xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định có chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi, đồng bộ và đi vào cuộc sống. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu thực tế về phòng ngừa tham nhũng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh tới 3 nhóm giải pháp, gồm: chế độ cung cấp thông tin, chế độ báo cáo, các hình thức xử lý tham nhũng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (như công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý doanh nghiệp khi để xảy ra hành vi tham nhũng); về thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về PCTN đối với tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để thực hiện.

Ngoài ra, các nhóm nội dung khác như về trách nhiệm giải trình, đánh giá công tác PCTN, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc chuyển đổi vị trí công tác, tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, việc xử lý hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về PCTN.

Phương Anh