Sáng ngày 9/5, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14.

Còn có biểu hiện quan liêu, vô cảm khi tiếp dân

Trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, về cơ bản các bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.

“Hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục”, bà Hải nói.

Về công tác tiếp công dân, tháng 2/2019, Thủ tướng đã có thư biểu dương cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân trên cả nước; đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, TP và cán bộ, công chức tiếp công dân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, đề cao trách nhiệm, thấu hiểu, chia sẻ với những phản ánh, bức xúc của người dân.

Tuy nhiên, qua giám sát thực tế tại một số địa phương, bà Hải cho hay, việc bố trí cán bộ đủ thẩm quyền, có trình độ chuyên môn, am hiểu công tác xã hội, nắm vững pháp luật làm công tác tiếp công dân còn hạn chế, cá biệt có địa phương còn bố trí nhân viên hợp đồng làm công tác tiếp công dân vi phạm điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật Tiếp công dân.

“Thời gian qua xuất hiện một số phản ánh của cử tri về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chưa đúng mực khi làm việc, tiếp xúc với người dân, chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, có biểu hiện lạm quyền, thái độ quan liêu, vô cảm gây bất bình”, bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý.

Nữ Trưởng ban Dân Nguyện dẫn chứng, như vụ nữ Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) xưng hô thiếu chuẩn mực, nóng nảy khi làm việc người dân. Hay vụ cán bộ tại Trụ sở UBND tỉnh Nam Định, còn thiếu tập trung trong công việc, vừa sử dụng điện thoại vừa tiếp công dân...

“Công tác tiếp công dân và đối thoại của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức với người dân ở một số nơi chưa được quan tâm thực sự ...”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết ý kiến của cử tri, nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

“Nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” chưa được khắc phục

Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình việc Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm.

Song cử tri, nhân dân phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.

Từ đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các thủ tục, quy trình chưa hợp lý; quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn

 

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn; xử lý, kỷ luật nghiêm một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền chưa được khắc phục.

“Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch MTTQ cho biết ý kiến của cử tri, nhân dân.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn phản ánh nhiều vấn đề khác như: một số dự án “treo” gây lãng phí; việc thiếu minh bạch trong các dự án BOT; một số chất cấm, chất có nguy cơ gây ung thư vẫn đang lưu hành và sử dụng...

Trong phần phụ lục dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội thống kê, những năm qua, lượng Glyphosate (thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất gây ung thư) sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. Việt Nam nhập khẩu khoảng trên dưới 30 ngàn tấn hoạt chất Glyphosate (khoảng 15-16 triệu lít) hàng năm. Và hiện nước ta còn có 5 triệu lít thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất gây ung thư Glyphosate.

Ma chay, cưới xin, lễ hội còn rề rà gây lãng phí

Ông Trần Thanh Mẫn cho hay, cử tri, nhân dân đánh giá việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc niêm yết giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát; việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong nhân dân.

“Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì thực tế tổ chức ma chay, cưới xin, lễ hội khá rề rà, mức độ có phần tăng lên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

 

“Có tình trạng tháng 1 là tháng ăn chơi, tháng 2 lễ hội, tháng 3 hội hè. Như vậy 4 quý mà mất quý 1 nhảy múa hát ca. Ma chay ở nông thôn phức tạp lắm... Đây là câu chuyện phải tính tới vì lãng phí thời gian, tiền bạc của dân, của xã hội”, ông Phùng Quốc Hiển phát biểu và đề nghị MTTQ bổ sung nội dung này vào báo cáo.


Vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay: Bộ GD&ĐT chỉ trả lời “rất chung”

Theo Trưởng ban Dân nguyện, cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.

Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Về trách nhiệm của mình Bộ chỉ nêu “ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi”.

“Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay”, Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu.

Cũng theo báo cáo này, công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm. Bộ cũng chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm….

Việc xử lý các cá nhân tập thể của bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.


Hương Giang