Chiều ngày 31/10, tại phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) đặt vấn đề, trong thời gian qua tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra đã cải thiện đáng kể.

“Tuy nhiên, qua phản ánh ở địa phương, doanh nghiệp thì một năm vẫn phải đón nhiều đoàn thanh tra của bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước. Việc trùng lắp về nội dung, đối tượng, chưa đúng với thẩm quyền vẫn xảy ra. Giải pháp nào đột phá để xử lý vấn đề này”, ĐB Nguyễn Thanh Hiền chất vấn Tổng Thanh tra.

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, thanh tra Nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra. Trong hệ thống có Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, huyện, thanh tra bộ, ngành và thanh tra chuyên ngành thuộc sở. Còn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thì được điều chỉnh bởi Luật Kiểm toán.

Thực hiện chức năng, thì đối tượng thanh tra khu vực Nhà nước có trùng với kiểm toán. Còn với đơn vị ngoài Nhà nước có thể trùng lắp trong hệ thống thanh tra.

Ông Lê Minh Khái cho hay, khắc phục tình trạng này, thời quan qua, thực hiện Luật Thanh tra, hàng năm, Thanh tra Chính phủ đã có định hướng thanh tra trong toàn hệ thống, kể cả với thanh tra bộ, ngành và thanh tra tỉnh, thành.

“Khi tổ chức thực hiện, chọn đối tượng cụ thể, nếu có chồng chéo thì các bộ, ngành tự xử lý với nhau. Nếu không xử lý được thì Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý để tránh chồng chéo”, ông Lê Minh Khái nói.

Còn với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã có quy chế phối hợp.

“Trên tinh thần định hướng, chỉ đạo của QH, Chính phủ thì chúng tôi trao đổi với nhau để chia sẻ thông tin kế hoạch thanh tra, kiểm toán để tránh trùng lắp”, Tổng Thanh tra cho biết và nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai cơ quan “rất tốt”. Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt vấn đề này.

Theo Tư lệnh ngành Thanh tra, vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được ĐBQH và các đối tượng rất quan tâm vì ảnh hưởng đến hoạt động, cũng như nguồn lực khi tổ chức thanh tra. 

"Do đó, chúng tôi rất quan tâm và kiên quyết xử lý”, Tổng Thanh tra khẳng định.

Còn giải pháp nào đột phá? Tổng Thanh tra cho rằng, để hạn chế tối đa,  trước mắt cần sửa Luật Thanh tra, trong đó chủ yếu là chức năng hoạt động trong hệ thống thanh tra.

Thanh tra Chính phủ cũng nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01 về định hướng kế hoạch thanh tra và Thông tư 05 về tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra, cũng như nghiên cứu sửa đổi Quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công thương: "Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ"

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn, việc xử lý các dự án thua lỗ, trong đó có Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. "Vì sao chậm, có lợi ích nhóm không, xử lý vi phạm có nghiêm minh không?", ông Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm.

Có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố 2 dự án, tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Nhiên liệu sinh học Bình Sơn

Nhấn mạnh không có việc bao che cho sai phạm, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra đối với cá nhân vi phạm pháp luật.

"Trong Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại của các dự án này", Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Hương Giang