Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng vào diện điều chỉnh

Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Luật PCTN sẽ là một trong những công cụ pháp lý đóng vai trò quan trọng. Nhưng luật này mới điều chỉnh khu vực Nhà nước, còn khu vực ngoài Nhà nước vẫn “để ngỏ”.

Trong khi, sự thiếu minh bạch và cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn cho nền kinh tế, Nhà nước, xã hội và người dân.

“Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri thì qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ” - Ủy ban Tư pháp nhận định.

Để lấp “khoảng trống” pháp luật, dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước.

Đáng chú ý, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), dự thảo Luật mới nhất đã được chỉnh lý lại theo hướng: các quy định của Luật PCTN không áp dụng đối với quỹ đầu tư, mà chỉ áp dụng đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng.

Tán thành điều này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, công ty đại chúng và tổ chức tín dụng là các doanh nghiệp có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc huy động tiền gửi của người dân.

“Cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh việc người quản lý lợi dụng chức vụ được giao để tham nhũng. Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả PCTN trong khu vực công”, ông Cường nói.

Tại sao “loại” quỹ đầu tư?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong đó có chuyên gia đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, căn cứ pháp luật về chứng khoán thì quỹ đầu tư (chứng khoán) không phải là pháp nhân, không có bộ máy điều hành mà chịu sự quản lý của công ty quản lý quỹ với các quy định rất chặt chẽ.

Phần lớn các quỹ đầu tư là quỹ đại chúng do công ty quản lý quỹ thành lập, quản lý nhưng đều chịu sự giám sát của ngân hàng giám sát. Vì vậy, không cần thiết phải đưa quỹ đầu tư là đối tượng áp dụng bắt buộc một số biện pháp PCTN như dự thảo Luật trình Quốc hội tháng 10/2017.  

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho hay, tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã chỉnh lý dự án Luật theo hướng bỏ “quỹ đầu tư”.

Những điều chỉnh của dự luật nhận được nhiều đồng tình. Theo các chuyên gia, điều này bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Đồng thời, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp

Là người có nhiều năm nghiên cứu pháp luật về PCTN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước.

Theo ông Quyền, có mối quan hệ giữa một số cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp “sân sau” mà Vinashin, Vinalines là ví dụ. Với nhiều hình thức khác nhau, tiền từ khu vực Nhà nước chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước, rồi tiền thu được từ khu vực ngoài Nhà nước lại được chuyển ngược lại cho một số cán bộ, công chức, người có thẩm quyền quyết định đến vấn đề này...

“Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này không thể không mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài Nhà nước. Việc mở rộng này sẽ giúp kiểm soát, PCTN tốt hơn”, ông Quyền nói. Nhưng ông cũng lưu ý, khi mở rộng cần tính toán kỹ để có các quy định chặt chẽ và phù hợp, bởi một bên là quyền lực của cơ quan Nhà nước, một bên là doanh nghiệp tự tổ chức, hạch toán.

Theo Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu, hiện khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Cùng với đó, chúng ta đang thực hiện chủ trương cổ phần hóa, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục... đây là khu vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Cho nên, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư là cần thiết và hoàn toàn phù hợp.

Các ý kiến cũng đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng để các quy định về điều kiện thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước về công tác PCTN với các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước bảo đảm chặt chẽ. Nhất là, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp và chủ trương khuyến khích khởi nghiệp mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.

“Nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp PCTN đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Phương án này cũng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong hoạt động quản lý và bản chất về chức năng, vai trò của Nhà nước đối với khu vực ngoài Nhà nước. Mặt khác, nếu theo phương án này thì có nguy cơ gây cản trở đối với sự phát triển của khu vực quan trọng này, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động và kiến tạo phát triển”, Thanh tra Chính phủ nêu.

Nội dung PCTN khu vực ngoài Nhà nước

Dự thảo luật mới nhất đã chỉnh lý theo hướng cụ thể, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...

Theo đó, khu vực ngoài Nhà nước áp dụng bắt buộc các biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; và trách nhiệm của người đứng đầu cần căn cứ vào các quy định của Luật PCTN và các luật khác có liên quan; đồng thời chỉ rõ các quy định của Luật PCTN sẽ phải áp dụng bắt buộc và chỉnh lý các quy định khác có liên quan để thể hiện rõ tinh thần của dự thảo Luật.


Hương Giang