Theo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới do lãnh đạo Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, do TTXVN đăng tải, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, tìm các lĩnh vực còn dư địa để có giải pháp thúc đẩy phát triển; tổ chức các hội nghị toàn quốc về: phòng chống thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, logistics, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.

Ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực trọng yếu và giải quyết những vấn đề cấp bách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển doanh nghiệp, thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...

Nhiều địa phương đã tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong những tháng đầu năm 2018, về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật; ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật tại các phiên họp Chính phủ hàng tháng; ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 (khóa XII).

Hoàn thiện việc xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét, cho ý kiến 08 dự án luật, thông qua 08 dự án luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; phát huy vai trò tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, tài chính, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường. Đến nay, đã có 26 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối liên thông văn bản điều hành.

Tổ chức đối thoại với nông dân, công nhân; mở thêm các kênh tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các đoàn thể.

Công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng…). Việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.

Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng. Nghiêm túc triển khai các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.

Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên Internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, Tập đoàn Dầu khí…).

Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tổ chức hội nghị của Chính phủ với các bộ, ngành và 27 địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong 4 tháng, tổ chức tiếp trên 82 nghìn lượt công dân; giải quyết trên 5,4 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận: Công tác xây dựng pháp luật còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng, trình một số dự án luật còn chậm. Công tác triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai còn chậm; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiệu quả chưa cao. Tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài diễn ra tại một số địa phương…

Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được Chính phủ đề ra là thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; xử lý dứt điểm và công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, tập trung chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số; khẩn trương hoàn thành xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách Nhà nước...

Thực hiện hiệu quả Luật Tiếp công dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Chú trọng giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Tập trung triển khai kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận, không để thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.

Sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát. 

Phát hiện vi phạm trên 4,5 nghìn tỷ đồng, trên 14,5 nghìn ha đất

Trong quý I/2018, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành trên 1,8 nghìn cuộc thanh tra hành chính và trên 36,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 4,5 nghìn tỷ đồng và trên 14,5 nghìn ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi trên 3,3 nghìn tỷ đồng và 162 ha đất.

Ban hành trên 20,2 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 451 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 360 tập thể; chuyển cơ quan điều tra xử lý 14 vụ việc, 14 đối tượng.

Đôn đốc, kiểm tra thực hiện gần 1,2 nghìn kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã thu hồi 67 tỷ đồng; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 82 tổ chức, 391 cá nhân, khởi tố 53 vụ.