3/5 nội dung sửa đổi là về công khai, minh bạch

+ Ngày 23/11/2012, Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN. Dự án Luật này cũng được dư luận kỳ vọng là góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả PCTN. Xin Phó Tổng Thanh tra cho biết, so với Luật PCTN năm 2005, Luật lần này có những điểm gì mới?

- Luật lần này được sửa đổi 15 điều, bổ sung mới 9 điều và bãi bỏ 1 điều. Trong 25 điểm sửa đổi, bổ sung này có 15 điểm nói về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, phát triển nông nghiệp - nông thôn, an sinh xã hội, dân tộc và thông tin - truyền thông. Do vậy, trong lần sửa đổi này, có tới 3/5 nội dung được sửa liên quan đến công khai, minh bạch.

Một nội dung trước đây được cho là nhạy cảm như PCTN trong công tác cán bộ, lần này cũng được bổ sung, bởi qua tổng kết chung và kinh nghiệm trên thế giới thì càng công khai, minh bạch, càng hạn chế được tham nhũng.

Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 31/3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Bên cạnh đó, Luật còn đề cập tới 1 thiết chế trong Luật 2005 nói chưa rõ là thiết chế kiểm toán Nhà nước; vấn đề tạm đình chỉ người có dấu hiệu tham nhũng phục vụ công tác phát hiện, xem xét, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Hay là việc xem xét bảo đảm tính khả thi của hoạt động xác minh tài sản. Đây là một trong những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Tăng trách nhiệm giải trình

+ Một trong những điểm thu hút sự chú ý của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN lần này công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và việc tăng trách nhiệm giải trình của những người thực thi quyền lực công. Phó Tổng Thanh tra có thể trao đổi rõ hơn về vấn đề này?


- Một số chế định mới trước đây thảo luận gặp ý kiến khác nhau, lần này Chính phủ trình, Quốc hội cũng đã thảo luận và đồng ý đưa vào mang tính bổ sung. Đó là chế định liên quan đến việc công khai bản kê khai tài sản và giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Như đã nói ở trên, nội dung Luật Sửa đổi lần này quy định người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 31/3 hằng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Bản kê khai tài sản của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử.

Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm. Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.

Căn cứ để xác minh tài sản là khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định.

Đây là những cái mới, những giải pháp mạnh có sự tác động lan tỏa tương đối tốt.

Luật PTCN lần này còn đề cập tới vấn đề tăng trách nhiệm giải trình của những người thực thi quyền lực công. Điều này trên thế giới và trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đề cập tới. Quy định về giải trình này rộng hơn giải trình về tài sản tăng thêm, bởi càng minh bạch càng tăng trách nhiệm giải trình càng giảm thiểu tham nhũng.

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, khi có yêu cầu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.

Ban Chỉ đạo PCTN thực hiện theo quy định của Đảng

+ Mô hình Ban Chỉ đạo PCTN thì sao, thưa Phó Tổng Thanh tra?

- Một điểm mới mà từ trước đến nay có rất nhiều tranh luận là mô hình Ban Chỉ đạo PCTN cấp Trung ương và cấp tỉnh. Sửa đổi lần này, Luật không đề cập đến mô hình Ban Chỉ đạo mà Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện theo quy định của Đảng. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Trung ương Đảng quy định thành lập, người đứng đầu là Tổng Bí thư, gắn với việc tái lập Ban Nội chính Trung ương sẽ bảo đảm sự thực quyền hơn của Ban Chỉ đạo và bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thực hiện các quyền lực Nhà nước. Ví như việc phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền hành pháp với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp; giữa các cơ quan Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị… Việc phối hợp này sẽ hiệu quả hơn. 

Chủ trương của Đảng là không duy trì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bởi qua tổng kết thấy rằng hiệu quả hoạt động của mô hình này có nhiều hạn chế. Do vậy, công việc lãnh đạo chỉ đạo công tác PCTN sẽ được giao cho cấp ủy Đảng và người đứng đầu chịu trách nhiệm. Người đứng đầu ở đây được hiểu là người đứng đầu cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!
 
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết: Qua 6 năm thực hiện, công tác PCTN có chuyển biến cả về nhận thức lẫn hành động, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Sự chuyển biến được thể hiện trên các phương diện: Hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI đánh giá: Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã dần được kiềm chế nhưng xét về tổng quan chung là chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 3 Khóa  X đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Luật PCTN 2005 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cần phải sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Luật PCTN và phải đưa ra những giải pháp đột phá. Tuy nhiên, do thời gian quá ngắn, chỉ có 6 tháng để trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật. Vì vậy, Quốc hội đã lựa chọn giải pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành tổng kết việc áp dụng Luật trong thực tiễn để sửa đổi cơ bản, toàn diện và đề xuất những giải pháp mới. Theo lộ trình, việc này sẽ tiến hành năm 2015 - 2016.

 Lê Nguyên (Thực hiện)