Ngày 21/12, tại Trụ sở TTCP, Viện Khoa học Thanh tra tổ chức buổi họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ. TS Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. 

Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu của đề tài gồm 3 chương: Chương I: Những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm của DNNN trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN, TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); Chương II: Thực trạng thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN của DNNN thời gian qua; Chương III: Quan điểm, giải pháp nâng cao trách nhiệm thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN trong DNNN.

Thời gian qua, nhiều DNNN, đặc biệt là các DN lớn như các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về về KN, TC và  PCTN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp luật về các lĩnh vực này cũng bộc lộ bất cập, tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới về cả phương diện lý luận và tổ chức thực hiện. 

TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, về phương diện lý luận, việc xác định DNNN như hiện nay sẽ thu hẹp rất nhiều số lượng các DNNN. Việc làm rõ trách nhiệm của DNNN trong thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra nói chung, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra DNNN trong việc thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN. 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: TH

Thêm nữa, về phương diện thực tiễn, qua các báo cáo về công tác giải quyết KN, TC và PCTN của nhiều DNNN cũng như thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của DNNN trong việc thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN thì thực tiễn việc thực hiện trách nhiệm của DNNN trong thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN còn nhiều tồn tại, hạn chế. 

Từ thực tiễn trên, TS Nguyễn Tuấn Khanh khẳng định, việc nghiên cứu đề tài cấp bộ “Trách nhiệm của DNNN trong thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN” là rất cần thiết. Mục tiêu nghiên cứu đề tài là góp phần đưa ra cơ sở khoa học cho việc xác định trách nhiệm của DNNN trong thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm của DNNN trong giải quyết KN, TC và PCTN; đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết KN, TC và PCTN trong các DNNN. 

Về các giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN trong DNNN như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của KN, TC và PCTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật, trong đó nhấn mạnh: Các cơ quan cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng, nâng cao vai trò người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC và PCTN; chủ động chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở cán bộ phận trực thuộc giải quyết các vụ việc KN, TC thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đơn vị mình… Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội với DNNN thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, TS Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh, đề tài đã làm rõ được tính cấp thiết của vai trò nghiên cứu. Giải quyết KN, TC và thực hiện pháp luật về PCTN là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN. Phần lý luận đã làm rõ được những vấn đề liên quan tới khái niệm DNNN, việc thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN. Phần thực trạng nghiên cứu cụ thể, phong phú, đáng tin cậy, làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về KN, TC và PCTN của các DNNN. 

TS Nguyễn Đức Hạnh cũng cho hay, đề tài có giá trị ứng dụng cao. Các giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra khá đồng bộ, một số giải pháp kiến nghị cụ thể, có tính khả thi cao, tạo cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện quy định của pháp luật và trách nhiệm của DNNN trong giải quyết KN, TC và PCTN.

 Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá.

TH