Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN năm 2018 thay thế Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012). Theo kế hoạch, ngày 11/12/2018, Chủ tịch nước sẽ chính thức ký lệnh công bố đạo luật quan trọng này. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, Luật sẽ có hiệu lực.

Một trong những nội dung mới của Luật lần này được dư luận rất quan tâm là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước. Đây được coi là một yêu cầu đặt ra trong công tác PCTN hiện nay ở Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước. Bên cạnh đó, với bối cảnh thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu và cải thiện môi trường cạnh tranh nhằm thu hút các nguồn lực phù hợp cho các mục tiêu phát triển đất nước, thì đây được coi là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với những nỗ lực PCTN và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, do lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước, nên bước đầu Luật PCTN mới quy định những vấn đề cơ bản như các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, thực hiện PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, bao gồm các quy định mang tính khuyến khích và các quy định mang tính bắt buộc (đối với tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và một số tổ chức xã hội). Xử lý người có hành vi tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Đây đều là những vấn đề khó, mới đối với Việt Nam và có tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về trách nhiệm và làm rõ các quy định của Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cũng như được lắng nghe nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp.

Theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo thi hành các quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, thế giới ngày càng thừa nhận sự cần thiết phải chống tham nhũng trong khu vực tư và ngày càng có nhiều quốc gia quy định về PCTN trong khu vực tư. Tham nhũng cản trở hiệu quả của nền kinh tế toàn cầu, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và sự phát triển bền vững.

Theo bà Catherine Phuong, lý do phải quy định PCTN trong khu vực tư vì nhiều vụ án tham nhũng có liên quan đến khu vực tư. Khi hội nhập kinh tế quốc tế gia tăng, giao dịch kinh doanh quốc tế và đầu tư nước ngoài gia tăng, đòi hỏi tuân thủ tốt hơn các quy tắc và tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, khu vực tư có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liêm chính kinh doanh và PCTN…

“Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, các giao dịch kinh doanh quốc tế và đầu tư nước ngoài ngày càng lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ tốt hơn các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế…”, bà Catherine Phuong nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cũng cho rằng, PCTN luôn là vấn đề nhạy cảm và rất cần thiết trong khu vực tư vì bảo vệ nhà đầu tư, bên thứ ba, quan hệ kinh tế lành mạnh, tin cậy, chi phí vận hành, chi phí kinh doanh giảm. Theo ông Đậu Anh Tuấn, PCTN trong khu vực tư cần kết hợp nhiều công cụ như: Quản trị doanh nghiệp, bảo vệ cổ đông ít vốn, thanh toán bằng tiền mặt, minh bạch tài chính, quy định về tài chính kế toán; dễ dàng khởi kiện; giám sát bên ngoài.

“Nhà nước cần hoàn thiện chính sách và quy trình, đừng để doanh nghiệp kinh doanh đúng, tử tế, minh bạch thiệt thòi. Đồng thời cũng cần có những chuẩn mực đạo đức đưa ra những thông điệp về yêu cầu cao về chất lượng doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị.

Phương Anh