Sáng ngày 18/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. 

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, 6 tháng đầu năm 2019, ngành Thanh tra đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ và đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. “Hoạt động của ngành Thanh tra đang có bước chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định”, ông Lê Minh Khái nói.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của ngành Thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được, “vị thế, uy tín của ngành Thanh tra đã được nâng cao, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng”.

Kiến nghị thu về ngân sách 34.500 tỷ đồng, kỷ luật 692 tập thể

Báo cáo tại hội nghị, theo Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, 6 tháng đầu năm, các cuộc thanh tra đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 50.339 tỷ đồng, 1.004ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 34.500 tỷ đồng và 142ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 15.839 tỷ đồng, 862ha đất.

Ngành Thanh tra cũng kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…

Đáng chú ý, TTCP đã tập trung ban hành, công khai kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như cuộc thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Các cuộc thanh tra về chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Q.P; việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu... cũng đã được công bố.

“Kết quả công tác thanh tra đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Công tác tiếp công dân, giải quyết công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) được tiến hành quyết liệt. Số lượt công dân đến KN, TC, số vụ việc, số đoàn đông người đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. 

Ngành Thanh tra cũng tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm

 

Xử lý sau thanh tra: Họp rồi, bàn rồi, 3-5 tháng sau vẫn chưa “động đậy”

“Những năm gần đây, nhất là 6 tháng năm 2019, ngành Thanh tra đã có chuyển biến rất tích cực. Đặc biệt, để tránh chồng chéo, số vụ thanh tra thấp hơn so với các năm trước nhưng phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách lại tăng lên, đây là kết quả rất đáng mừng, rất đáng khích lệ”, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phát biểu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn “mổ xẻ” những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần phải lưu ý khắc phục. Đó là, một số vụ kết luận thanh tra còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; xử lý sau thanh tra còn hạn chế. 

Theo Phó Thủ tướng, sau khi có kết luận thanh tra, có chỉ đạo của Thủ tướng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý vẫn chậm.

“Có khi họp rồi, bàn rồi, sau một thời gian 3-5 tháng sau, kiểm tra lại vẫn chưa thấy động đậy gì. Có trường hợp kéo dài hàng năm sau vẫn chưa giải quyết, khiến dân bức xúc”, ông Trương Hoà Bình nêu rõ, kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, chứ không phải thanh tra xong là “bỏ quên”.

Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng, phát hiện còn ít trong tương quan so với sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.

Tình hình KN, TC vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường; hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; giải quyết KN, TC mới đạt tỷ lệ 72,9%; có vụ việc còn thiếu chính xác, khách quan, công dân không đồng tình, bức xúc, kéo dài; nhiều vụ việc cấp giải quyết còn tránh né, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai.

Công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, KN, TC, PCTN còn hạn chế; trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ thanh tra ở một số nơi còn yếu.

“Trong hoạt động thanh tra, một số công chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành Thanh tra và TTCP, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành”, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nêu.

Toàn cảnh hội nghị

 

“Úp úp, mở mở, chia chác, lợi ích nhóm sẽ bị trừng trị”

Nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2019 còn rất nhiều, đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ, công chức TTCP và thanh tra các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất; nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng, vụ việc có nguy cơ hoặc có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; triển khai có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo kế hoạch.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. “Cố gắng không gây trở ngại, khó khăn cho doanh nghiệp, không để có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong 1 năm hay liên tiếp trong nhiều năm, nhưng nếu có dấu hiệu vi phạm, TC có căn cứ thì vẫn phải thanh tra đột xuất”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng tiếp công dân, tăng cường đối thoại, hướng dẫn, giải thích pháp luật để nâng cao nhận thức của công dân, phấn đấu giảm tỷ lệ công dân KN sai, TC sai. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có lý, có tình, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp…

Theo ông Trương Hoà Bình, nơi nào người đứng đầu làm tốt công tác đối thoại, thực hiện chính sách hỗ trợ cho dân, thì tình hình sẽ ổn định. “Còn nơi nào người đứng đầu không nghiêm túc, nhất là có chi phối của lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, chia chác với nhau trong các dự án dẫn đến bức xúc của người dân thì tình hình sẽ phức tạp”, Phó Thủ tướng nói. 

Vì vậy, khi tiến hành các dự án đầu tư, thu hồi nhiều đất đai của dân phải bảo đảm công khai, minh bạch đúng pháp luật. Đất công, đất sạch phải đấu giá. Đoàn thể, mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội, báo chí giám sát một cách rõ ràng thì không có điểm nóng xảy ra. 

“Úp úp, mở mở, chia chác với nhau thì thế nào qua thanh tra, kiểm tra, điều tra cũng sẽ bị phát hiện, trừng trị thôi”, Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, người đứng đầu phải hết sức gương mẫu, nêu gương, trong sạch, có tâm với đất nước, nhân dân.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với hành vi tham nhũng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Tiếp thu ý kiến, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái khẳng định, thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp trong ngành và với các cơ quan ở Trung ương, địa phương để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2019.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN (TTCP): Cần nhận diện lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng để ngăn chặn

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, nhận diện các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm. Đặc biệt là có chỉ đạo kịp thời để bảo đảm thực hiện các nội dung trong Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Phó Cục trưởng Cục PCTN Ngô Mạnh Hùng

 

Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng thêm thẩm quyền, phạm vi thanh tra, không chỉ dừng trong phạm vi các cơ quan Nhà nước mà có thể “bơi” đến các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, Luật cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra nếu không làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm bỏ lọt hành vi tham nhũng.

Vì vậy, thanh tra các bộ, ngành, điaj phương cần nghiên cứu, quán triệt kỹ các quy định của luật. Nhất là, phải tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật PCTN năm 2018 để doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước hiểu rõ quy định pháp luật, để khi triển khai thực hiện vừa nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan, đơn vị khu vực ngoài Nhà nước, vừa tránh được tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu.


Ông Trần Huy Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài Chính: Chế tài xử lý đối tượng không thực hiện kết luận thanh tra chưa đủ mạnh

Công tác xử lý sau thanh tra đã được Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định. 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã đôn đốc các đơn vị được thanh tra thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 4.830 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 69,4%), số còn lại đang trong thời gian thực hiện của đơn vị.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác xử lý sau thanh tra vẫn còn những vướng mắc như chưa quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện kết luận thanh tra dẫn đến đối tượng thanh tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra; các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh. Cho nên, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về vấn đề này.


Hương Giang