Mở rộng nhưng bảo đảm khả thi

Theo Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, hiện nay, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa thực chất. 

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc chưa quản lý được dữ liệu bản kê khai, chưa kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật. 

Trong khi đó, năm 2006, Nghị quyết T.Ư 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí nêu rõ: “Tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản”.  

Kết luận số 21-KL/TW (Hội nghị T.Ư 5 khóa XI năm 2012) cũng khẳng định: “Từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.

Chính vì vậy, Dự thảo Luật PCTN mới đây vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tài sản thu nhập. 

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Điều 37, Dự thảo Luật quy định, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: Các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. 

Riêng nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước, việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.

Có tài sản từ 300 triệu đồng trở lên mới kê khai bổ sung

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, việc kê khai bổ sung chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có tài sản mới hoặc tổng thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. 

Vậy tại sao lại quy định là 300 triệu đồng trở lên? “Mức này tương ứng với mức kiểm soát giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chống rửa tiền”, Thanh tra Chính phủ giải thích.

Còn những người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên (tương đương giám đốc sở) hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước, kiểm sát, tòa án, thi hành án, thanh tra, điều tra, cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, cảnh sát quản lý trại giam, hải quan, thuế, quản lý đất đai, kiểm lâm, quản lý thị trường, kế toán, tổ chức - cán bộ… thì mới phải kê khai hàng năm.

“Để khắc phục tính hình thức, chưa thực chất trong thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập, Dự thảo đã được chỉnh lý các quy định về phương thức kê khai; quản lý bản kê khai; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), Thường trực Tổ Biên tập cho biết thêm.

Ở góc độ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật, quy định mở rộng đối tượng kê khai nhận được đa số ý kiến tán thành. Theo nhóm ý kiến này, so với luật hiện hành, phương thức kê khai đã có sự thay đổi khi thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai lại và kê khai hàng năm (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao). 

“Qua đó, bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua”, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu, quy định này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng.

Còn băn khoăn

Đề xuất từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tài sản thu nhập là quy định mới. Trong quá trình thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại tính khả thi. 

Ngay khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp 4 (tháng 10/2017), nhiều đại biểu đề nghị, nên thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát. 

Khi thẩm tra dự án luật mới đây, trong Ủy ban Tư pháp cũng có ý kiến tán thành quan điểm trên vì theo quy định của Luật PCTN hiện hành, đối tượng phải kê khai là cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên và được thực hiện hàng năm. Nhưng việc kê khai chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập. 

“Nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như Dự thảo Luật, cho dù là kê khai lần đầu mà không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của họ thì lại không khắc phục được tính hình thức như thời gian qua”, ý kiến khác băn khoăn. 

Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng kê khai, đồng thời thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan này và có thể tiếp tục dẫn đến thiếu hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập. 

Thảo Nguyên