Chủ yếu phát hiện tham nhũng vặt

+ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) vừa được công bố cho thấy, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng đến nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong đợi. “Chủ nghĩa vị thân”, nhũng nhiễu đòi hối lộ của cán bộ chính quyền vẫn rất phổ biến. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Kết quả PAPI dựa trên trải nghiệm của hơn 13 nghìn người dân được chọn ngẫu nhiên ở tất cả 63 tỉnh/TP trên cả nước. Ý kiến của người dân về chỉ số kiểm soát tham nhũng cũng phù hợp với đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đánh giá của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Giám sát của Quốc hội, HĐND về công việc này cũng thấy, tham nhũng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, là 1 nguy cơ cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế, đẩy lùi.

Trong năm qua, chúng ta đã tập trung xét xử được một số vụ án lớn nhưng vẫn chưa có tác dụng lớn. Chúng ta mới chủ yếu phát hiện tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, còn những vụ tham nhũng cực lớn lại chưa được xử lý một cách hiệu quả. Như vụ hối lộ làm đường sắt trên cao, nước ngoài phát hiện rõ ràng và nói có đưa hối lộ cho người Việt Nam. Rõ ràng là có người đưa hối lộ thì phải có người nhận hối lộ nhưng là ai thì lại chưa tìm ra.

Ở một số nước như Mỹ, Anh, luật phòng, chống tham nhũng của họ tập trung xử hành vi tham nhũng, hối lộ ra bên nước ngoài. Tới đây khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cần sửa vấn đề này. Nếu nhận thức nước ngoài phát hiện ra tham nhũng, hối lộ cho người Việt Nam mà cho rằng không có giá trị với Việt Nam thì chưa được vì trong chuỗi quan hệ hội nhập, kinh tế toàn cầu vấn đề tội phạm phải mang tính quốc tế. Chúng ta phải sắp xếp lại quy định pháp luật lẫn thực tiễn để đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

+ Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhiều nhưng hiệu quả chưa đến đâu. Phải làm gì để chống giặc “nội xâm” hiệu quả?

- Chúng ta phải công nhận một điều, công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực tế rõ ràng là làm thế chưa đủ như kê khai tài sản rồi nhưng kiểm soát, kiểm tra thế nào? Mình sử dụng tiền mặt thì khó quản, nhà đất cũng vậy. Người ta đâu đứng tên mà đứng tên con cháu thì quy định phải thế nào? Cho nên, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp từ quy định pháp luật đến tổ chức thực hiện để người ta không dám, không thể và không cần tham nhũng.

Tất cả mọi thứ phải công khai, minh bạch. Nếu bị trừng trị nặng thì sẽ không dám tham nhũng. Lương cao thì sẽ không muốn tham nhũng vì có thể mất cả sự nghiệp. Nhưng lương thấp, không đủ nuôi gia đình, trong khi lại có người đưa hối lộ, muốn đấu tranh vượt qua cũng khó. Nên muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cũng cần có chế độ cho thỏa đáng cho cán bộ công quyền.

Không để người dân “thờ ơ” với tham nhũng

+ Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ký ban hành thông tư liên tịch quy định tăng mức thưởng cho người tố cáo tham nhũng lên đến 3,4 tỷ đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đây là một giải pháp có tác dụng nhất định để giảm tham nhũng. Nhưng tôi cho rằng phải tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó có việc làm thế nào để khuyến khích người dân thực sự đấu tranh chống tham nhũng thì mới thực sư ngăn chặn được tham nhũng. Chẳng hạn như khi có người nhà bị bệnh nặng phải vào viện buộc phải đưa hối lộ, nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành nếu đưa hối lội rồi tố cáo thì cũng phạm tội bị xử, thế nên người dân dù có bị “vòi vĩnh”, “đòi hối lộ” cũng không muốn tố cáo. Tất nhiên, nếu người nào chủ động đưa hối lộ để chạy chức, chạy quyền thì phải xử, nhưng trường hợp buộc đưa hối lộ mà người ta tố cáo bản thân họ không chịu trách nhiệm hình sự.

+ Đây là vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều khi thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự. Có ý kiến lo ngại nếu bỏ tội đưa hối lộ sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để “gài” hay “hạ bệ gây mất uy tín của cán bộ”?

- Đúng là có chuyện này chuyện khác. Nếu bị đẩy vào tình trạng buộc phải hối lộ thì mới được miễn trách nhiệm hình sự. Còn nếu hối lộ để “chạy việc” hay “chạy chức, chạy quyền” không được mới tố thì phải xử. Tôi cho rằng, dù có chuyện “gài” đi chăng nữa nhưng cán bộ, có bản lĩnh trong sạch, không nhận của hối lội thì sẽ không vấn đề gì.

+ Vậy ông đồng tình với việc nên bỏ tội đưa hối lộ để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tránh tình trạng “thờ ơ” với tham nhũng?

- Đúng vậy. Hối lộ có chuyện người đưa, nhận và trung gian hối lộ nến quy định vậy chính người nhận hối lộ sẽ sợ vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị người đưa hối lộ tố. Đây là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn người nhận hối lộ.

Ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI:

Tham nhũng không giảm: Lỗi từ hai phía

Kết quả PAPI sau 4 năm vẫn chưa có gì thay đổi lớn, đây là một điều đáng quan ngại. 4 năm là một thời gian dài nhưng người dân vẫn cho rằng quản trị và hành chính công không có tăng trưởng, chưa kể có những vấn đề còn bị giảm điểm. Như vậy chúng ta đã mất 4 năm mà đáng ra chúng ta đã phải làm được rất nhiều việc.

Chỉ số kiểm soát tham nhũng không có chuyển biến, tôi cho rằng lỗi từ cả hai phía. Chính quyền phải minh bạch thông tin như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội cần phải minh bạch ai là người ra quyết định, ai là người triển khai, cây chặt ở đâu… Đồng thời, cương quyết hơn nữa để phát hiện, trừng phạt tham nhũng. Nhưng người dân không biết rõ vì sao cây xanh bị chặt, ai ra quyết định và gỗ đi đâu và sự trừng phạt đó chúng ta thấy không nhiều. Phải nói rằng trừng nào thông tin còn rất mù mờ thì trừng ấy tham nhũng vẫn nảy nở. Chỉ khi nào người dân giám sát được thì lúc đó tham nhũng mới không xảy ra.

Về phía người dân cũng có lỗi theo nghĩa thờ ơ, không đứng ra tố cáo, lên tiếng. Chúng ta chỉ bức xúc trên mạng xã hội mà không làm gì cả cũng là lỗi không hành động. Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ như việc lấp sông ở Đồng Nai không liên quan đến mình, chặt cây ở Hà Nội không liên quan đến mình nhưng phải lên tiếng vì điều đó không đúng. Chỉ khi chính quyền và người dân kết hợp được với nhau thì mới đẩy lùi được tham nhũng.

PAPI 2014: Tham nhũng và hối lộ có xu hướng gia tăng

Theo đánh giá, nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2014 chưa đem lại hiệu quả, thậm chí có phần hạn chế hơn so với 3 năm trước. Tỷ lệ người được hỏi đánh giá chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương là 38,7%, tăng so với năm 2011 (34%), tương đương năm 2013. Tuy nhiên vẫn còn 1/4 người được hỏi cho rằng chính quyền chưa nghiêm túc trong việc này và 2/3 người được hỏi không biết có nghiêm túc hay không.

Người dân vẫn phải “lót tay” để xin việc vào cơ quan Nhà nước (49%), làm thủ tục liên quan đến sổ đỏ (33%), làm thủ tục xin cấp phép xây dựng (26%), khám chữa bệnh ở bệnh viện công cấp huyện (43%), để học sinh tiểu học được quan tâm hơn (30%). Có đến 23% phản ánh về tình trạng dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.Nhưng vẫn có đến 56% người được hỏi không tố cáo tham nhũng vì cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì. Nhất là, khả năng chịu đựng sự “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức trong dân gia tăng theo thời gian.


Thảo Nguyên