Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng). 

“Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định rõ.

Để bảo đảm Luật PCTN đi vào cuộc sống, thực hiện nghiêm minh, Nghị định 59 còn quy định rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thì tăng cường trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các quy định của Luật PCTN và Nghị định 59 rất quan trọng. 

“Pháp luật có hay mà thực thi không nghiêm thì cũng không thể bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh trên thực tế”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để Luật PCTN đi vào cuộc sống cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến các đối tượng có liên quan như cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là người dân để tham gia giám sát.

3 hình thức kỷ luật

Nghị định 59 quy định, việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng. 

Theo đó, vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm. Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm.

Còn vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Khi để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị xử lý kỷ luật bằng 1 trong 3 hình thức: khiển trách; cảnh cáo; cách chức.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.

Riêng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Khi có kết luận, trong 30 ngày phải xem xét kỷ luật

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan hoặc người có thẩm quyền về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.

Về áp dụng hình thức kỷ luật, theo Nghị định 59, để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị khiển trách.

Trường hợp để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị cảnh cáo.

Hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.

Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.

Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.


Thảo Nguyên