Báo cáo tổng hợp các ý kiến, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí về sự cần thiết và nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định. Đồng thời, cũng tham giá góp ý nhiều nội dung cụ thể.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định là quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Tại Chương 2: Về trách nhiệm giải trình, có ý kiến đề nghị bổ sung điều quy định về quyết định, hành vi bị yêu cầu giải trình, trong đó xác định các quyết định, hành vi cơ quan, tổ chức, cá nhân cụ thể.

Trong trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình thì có ý kiến đề nghị bổ sung thêm trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình tại Điều 5 Dự thảo như: Nội dung yêu cầu giải trình không thuộc phạm vi giải trình theo quy định tại Điều 6 Nghị định này; người yêu cầu giải trình yêu cầu không đúng cơ quan, người có trách nhiệm giải trình; người yêu cầu giải trình không đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp báo chí đăng tải thông tin về hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung đó đã được thanh tra kết luận.

Tại Chương 3: Về tiêu chí đánh giá tính chất, mức độ của vụ việc vụ án tham nhũng, các ý kiến cũng tập trung đề nghị mở rộng đối tượng đánh giá đến UBND cấp huyện; bổ sung quy định thời hạn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh gửi kết quả tự đánh giá về Thanh tra Chính phủ.

Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa thời gian công khai kết quả đánh giá chậm nhất ngày 31/7 hằng năm tại Khoản 1 Điều 24; còn một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định hình thức về thời gian cụ thể để bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm công khai kết quả đánh giá sau khi có kết quả thẩm định. 

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Đối với danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi, vấn đề này có một ý kiến khác nhau. 

23 ý kiến đồng ý với phương án 1 trong Dự thảo Nghị định “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương”.

Bên cạnh đó, có 15 ý kiến đồng ý với phương án 2 trong Dự thảo Nghị định “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực”.

Tại Chương X: Về xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN.

Một số ý kiến cho rằng, việc quy định hình thức xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm tại Dự thảo là phù hợp. 

Tuy nhiên, đề nghị cần quy định cụ thể các hành vi vi phạm theo hướng bao gồm cả đối tượng, hành vi nào bị khiển trách, hành vi nào bị cảnh cáo... để đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất. 

Đồng thời, bổ sung thêm quy định hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm nêu tại Điều 2 Luật PCTN nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự; quy định cụ thể mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN nhưng chưa đến mức xử lý hình sự bị xử phạt vi phạm hành chính.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về xử lý vi phạm quy định về chuyền đổi vị trí công tác đối với người có trách nhiệm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác và đối với người thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục tổng hợp, chỉnh sửa và hoàn thiện các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Thái Hải