Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Ngày 7/3/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 546/QĐ-BTP Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ.

Các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm thuộc Bộ Tư pháp rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định trách nhiệm của từng vị trí công tác, tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật và của Bộ nhằm phòng, ngừa tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nên công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Thực hiện việc niêm yết công khai quy tắc ứng xử để nhân dân giám sát, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập, hoạt động PCTN phải tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ được thực hiện nghiêm và tuân theo chế độ báo cáo về kê khai tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, công khai, minh bạch trong việc lập, phân bổ dự toán ngân sách, thẩm tra phê duyệt quyết toán ngân sách, quản lý và sử dụng kinh phí, tài sản. 

Bộ Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong công tác PCTN để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; xử lý kiên quyết, kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng.

Các bộ, ngành cần triển khai mạnh mẽ PCTN trong bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã và đang chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan xây dựng pháp luật trong PCTN, nhất là tránh nguy cơ “tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phải cam kết về sự liêm khiết, gương mẫu; mạnh dạn tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

 

Tổ chức cuộc thi trực tuyến về Luật PCTN

Nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017 - 2021” năm 2019, Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi pháp luật trực tuyến lần thứ nhất với chủ đề “Tìm hiểu một số quy định pháp luật của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018”.

Cuộc thi được tổ chức với mục đích cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý.

Xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nội dung cuộc thi tìm hiểu Luật PCTN thiết thực, phù hợp với trình độ hiểu biết pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân; bám sát mục đích phổ biến kiến thức pháp luật, trong đó, phần mềm cuộc thi bảo đảm chất lượng, tiện ích, thiết thực, hiệu quả, sử dụng lâu dài và có thể tích hợp với các công cụ, phương tiện thông tin khác.

Cuộc thi có cơ cấu giải thưởng dành cho cá nhân như sau: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba. Giá trị giải thưởng được thực hiện theo quy định tại Thể lệ cuộc thi.

Đối tượng dự thi là người Việt Nam ở trong nước; người Việt Nam ở nước ngoài và người ngước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Thí sinh tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp trên máy vi tính theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Số lượng câu hỏi trong một phần thi online là 10 câu hỏi (6 câu hỏi trực tiếp; 3 câu hỏi tình huống; 1 câu hỏi số lượng người thi theo hướng từ dễ tới khó). Một phần thi online/1 người dự thi kéo dài tối đa 30 phút. Chi tiết về cách thức tham gia dự thi được thực hiện theo hướng dẫn tại Thể lệ cuộc thi.

Cuộc thi pháp luật trực tuyến lần thứ nhất về Luật PCTN năm 2019 do Bộ Tư pháp nhằm góp phần phổ biến pháp luật tới cá nhân, tổ chức liên quan, tăng cường tính thực thi của pháp luật về PCTN và góp phần không nhỏ tới việc chống tham nhũng trong xây dựng và ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tư pháp Việt Nam.

Trần Minh Sơn - Bộ Tư pháp