“Giáo dục và đào tạo là vấn đề có liên quan đến mọi người, mọi nhà”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mở đầu phần giải trình. Nhưng theo ông, có những vấn đề “dù nhận thức ra được thì khắc phục cũng cần có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân”.

Xử lý 11 cán bộ sai phạm trong thi THPT quốc gia

Đề cập đến kỳ thi THPT quốc gia đang “gây chú ý, thậm chí bức xúc của xã hội”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ này đã thực hiện đúng chủ trương “giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh và làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng trong cả nước” và có lộ trình.

Theo Tư lệnh ngành Giáo dục, đây là kỳ thi đã được cân nhắc rất nhiều. “Qua các năm, rõ ràng nhìn lại thì mục tiêu giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội đã được chứng minh tương đối rõ. Nhiều bà con, học sinh rất đón nhận phương án này”, ông Phùng Xuân Nhạ nhận định.

Tỷ lệ quay cóp giảm rất nhiều so với những “Đồi Ngô”, “Phú Xuyên” trước kia. Nhưng độ trung thực thì “kỳ thi nào cũng có vi phạm”, cần khắc phục đến mức tối đa.

“Năm vừa rồi đúng là năm bộc lộ điều này rõ ràng nhất và chúng tôi đã xử lý. Khi xảy ra hiện tượng có dấu hiệu sai phạm, qua báo chí cũng như trực tiếp phát hiện, chúng tôi đã báo cáo ngay Thủ tướng, Phó Thủ tướng và chỉ đạo ngay cùng với Bộ Công an vào cuộc. Quan điểm chỉ đạo rất rõ là phải làm đến nơi đến chốn, rõ, nghiêm minh”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, đến nay đã phát hiện chính thức, xử lý 11 người. Đối với (những người vi phạm) quy chế là 151 em và tới đây còn làm tiếp. “Tinh thần sai là xử và xử nghiêm theo đúng quy chế, Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh “cá nhân tôi là bộ trưởng phản đối và kiên quyết chống tiêu cực”.

Về khắc phục những lỗ hổng dẫn đến vi phạm trong kỳ thi vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua rà soát lại toàn bộ quy trình thi và chấm thi đã phát hiện một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần tốt hơn.

“Chúng tôi cũng lường trước từ quá trình đổi mới, đây là vấn đề khó, phải có thời gian. Mỗi năm phải có bổ sung thêm. Kinh nghiệm quốc tế là như vậy chứ không phải ngay một lúc đã có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa tốt cũng như bài thi. Chúng tôi đang khắc phục điều này và từ đây sẽ làm tốt hơn nhiều”, Bộ trưởng nói.

Còn về phần mềm chấm thi cũng là một trong những sơ hở. “Chúng tôi đã họp toàn bộ các sở để rút kinh nghiệm. Trong bộ cũng có chỉ đạo họp kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, để rút kinh nghiệm cho kỳ sau”, Bộ trưởng cho biết.

Không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học

Về vấn đề sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại Nghị quyết 40 QH khoá 10 năm 2000 có quan điểm đổi mới SGK với tinh thần có một bộ SGK được sử dụng trong cả nước.

Tuy nhiên, điểm bất cập là “rất nhiều thầy cô dựa vào SGK và phụ thuộc SGK, dẫn đến cứng nhắc, dập khuôn máy móc; chưa khai thác được trí tuệ của các ngành, tầng lớp”.

Do vậy, QH thống nhất khi đổi mới chương trình, sẽ làm theo hướng một chương trình và một số bộ SGK để khắc phục điểm này.

“Trước kia đổi mới từ SGK, dựa vào SGK, còn bây giờ thiết kế theo Nghị quyết 88 là dựa vào chương trình tổng thể, theo từng môn học và từ chương trình ấy mới viết SGK”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, với cách thiết kế SGK mới tạo cơ hội để cho thầy cô sáng tạo về phương pháp, linh hoạt vùng miền.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ cũng lường được việc thiết kế có bài tập tô, vẽ trong SGK. Bộ đã hướng dẫn hạn chế, nhưng chưa được.

“Tới đây, khi ban hành chương trình SGK phổ thông chúng tôi chỉ đạo làm sao khắc phục được hạn chế hiện nay, giảm mức độ vẽ, tô, tránh sự lãng phí”, Bộ trưởng nói.

Còn về việc giảm biên chế giáo viên, ông Nhạ nói, Bộ chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng, quy chuẩn của giáo viên. Việc sử dụng, tuyển dụng thì phân cấp cho chính quyền địa phương.

“Đề nghị, ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học”, Bộ trưởng kêu gọi và nhấn mạnh, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo “ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên, có trường lớp”.

Hương Giang