Phát biểu tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Phạm Việt Anh nhấn mạnh: Công tác PCTN là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đã và đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. 

Để thực hiện tốt công tác PCTN, chúng ta cần tích cực nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung thực hiện tốt từ khâu phòng ngừa, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền các nội dung có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó nâng cao ý thức pháp luật trong PCTN nói riêng, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước nói chung; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn thể đơn vị, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác, qua đó góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe TS.Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phổ biến, quán triệt tầm quan trọng của công tác PCTN trong giai đoạn hiện nay; những điểm mới của Luật PCTN 2018; vai trò của người đứng đầu, quy định về phòng ngừa hành vi tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý các hành vi tham nhũng...

Luật PCTN 2018 (sửa đổi) được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập qua thời gian thi hành Luật PCTN năm 2005.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TH

 

Luật gồm có 10 chương, 96 điều và có nhiều điểm mới so với Luật PCTN năm 2005.

Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý như: Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập (cán bộ, công chức, sĩ quan công dân nhân dân, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người ứng cử đại biểu Quốc hội); bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai (công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng); quy định cụ thể về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung quy định về kê khai bổ sung; quy định cụ thể việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, luật quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực; Luật cũng thêm một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò người đứng đầu và một chương riêng về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Ngoài ra, hội nghị cũng được phổ biến một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới ban hành có liên quan đến công tác PCTN, như: Chỉ thị 10/CT-TTG về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Công điện 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ...

Thái Hải