“Báo Thanh tra giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác thanh tra”
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Kinh tế Nông thôn

 

Trong những năm gần đây, báo chí có bước phát triển vượt bậc khi mà công nghệ số, công nghệ thông tin, Internet ngày càng phổ cập. Báo chí Việt Nam, đặc biệt báo chí điện tử không thua gì những tờ báo lớn của thế giới, nội dung thông tin phản ánh đa dạng nhiều chiều, được không chỉ người dân, các cơ quan Đảng, Nhà nước tin tưởng mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác quản lí báo chí còn nhiều bất cập. 

Thứ nhất, sự phát triển của Internet, mạng xã hội tạo ra sức ép lớn với người làm báo. Mạng xã hội phát triển nhanh trong khi các cơ quan quản lí Nhà nước, những người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin lại chưa thực hiện tốt, thậm chí né tránh việc cung cấp thông tin, khiến cho có quan điểm mạng xã hội dẫn dắt báo chí. Nhưng nếu báo chí được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, nhanh nhạy thì báo chí dẫn dắt mạng xã hội.

Bất cập thứ hai là do số lượng báo chí phát triển quá nhanh, tuy phóng viên được đào tạo về trình độ nghiệp vụ nhưng lại chưa được rèn luyện, trau dồi về đạo đức, trong khi đó kinh tế thị trường với nhiều mặt trái tạo nên sức ép khiến họ vì cơm áo gạo tiền mà mắc lỗi về đạo đức.

Là người làm báo lâu năm có đọc Báo Thanh tra, tôi thấy, Thanh tra là ngành vô cùng quan trọng của mỗi đất nước, mỗi quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người chưa hiểu hết công tác thanh tra, họ cho rằng khi có cuộc thanh tra là có vụ việc. Báo Thanh tra cần phải giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu rằng thanh tra có 2 việc, một là thanh tra thường xuyên, đây là việc giúp ngăn chặn những khuyết điểm, tiêu cực có thể xảy ra; hai là thanh tra vụ việc khi có đơn tố cáo, khiếu nại. Báo Thanh tra cần đi sâu thêm để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn công tác thanh tra.

“Các bạn đã thực hiện được câu chuyện của chính mình”
Ông Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Điện tử Đảng Cộng sản 

 

Tôi được biết đến Báo Thanh tra từ rất nhiều năm. Trong thời gian qua, Báo Thanh tra không chỉ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra mà còn có những chuyên mục đặc biệt (về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và PCTN - PV), những câu chuyện về đời sống, pháp luật, về nêu gương điển hình tiên tiến… tạo nên sự gần gũi với bạn đọc, chiếm được sự tin tưởng của họ. Từ niềm tin của bạn đọc củng cố hơn niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Chính phủ, niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, các cấp, các ngành đều vào cuộc và sự vào cuộc của báo chí cũng rất quan trọng. Báo Thanh tra đã thể hiện được tiếng nói của mình, qua đó các cơ quan, các địa phương đã thực thi, góp phần đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tôi đánh giá cao điều này ở Báo Thanh tra.

Đội ngũ những người làm Báo Thanh tra hãy cứ tự tin, bản lĩnh, tiếp tục công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Tôi tin tưởng rằng, công việc các bạn đang làm sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp không chỉ cho đất nước, cho làng báo mà cho chính cuộc đời của các bạn.

“Nên có chuyên mục người tốt việc tốt trên trang nhất”
Ông Nguyễn Hà Hồng - Trưởng Ban Bạn đọc Báo Nhân dân

 

Tôi thấy chức năng, nhiệm vụ của Ban Bạn đọc bên Báo Nhân dân và Báo Thanh tra có nét tương đồng. Phóng viên của chúng tôi khi tiếp nhận đơn thư bạn đọc đều phải đi điều tra, xác minh và có những tin, bài phản ánh xác đáng, trung thực, khách quan các vụ việc. Trên cơ sở đó, phóng viên sẽ làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để tìm lời giải cho những vướng mắc của bạn đọc, đi đến tận cùng để vấn đề được sáng tỏ. Ở Báo Thanh tra, nhất là những phóng viên được giao làm điều tra, bạn đọc cũng phải thực hiện những công việc như chúng tôi với mong muốn đem lại sự sự thật, sự công bằng cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước thông qua các tin, bài được đăng tải.

Nói đến Báo Thanh tra là nói đến tính chiến đấu rất cao. Các bài viết đề cập trực tiếp, trực diện các vấn đề, thông tin được điều tra, xác minh công phu. Trên các bài báo, nhất là những bài phản ánh về công cuộc phòng, chống chống tham nhũng, lãng phí, các bạn không chỉ nêu rõ thực trạng mà còn đưa ra các giải pháp để phòng ngừa. 

Nếu được thì Báo Thanh tra và cả những tờ báo khác cần có thêm nhiều tin, bài về nêu gương người tốt việc tốt, những tấm gương dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực phải được tôn vinh. Nên có chuyên mục người tốt việc tốt trên trang nhất của Báo Thanh tra, điều đó phản ánh rõ chức năng thông tin của tờ báo tới bạn đọc, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người xem hơn.

“Đầu tư để chuyên mục PCTN thực sự hấp dẫn”
Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân

 

Chưa bao giờ hệ thống báo chí cách mạng của chúng ta có đội ngũ các cơ quan báo chí và các nhà báo hùng hậu như hiện nay. Các nhà báo được rèn luyện, đào tạo tương đối bài bản. Nền báo chí cách mạng đã đạt được rất nhiều thành tựu, thế hệ trước chúng ta nhiều nhà báo đã xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay thì nhiều nhà báo chấp nhận dấn thân, đạt được nhiều thành tựu để xã hội tôn trọng nghề báo.

Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số cơ quan báo chí, một số nhà báo nhận thức về nghề nghiệp chưa thực sự đầy đủ. Một số tờ báo chạy theo xu hướng thị trường, giật gân câu khách, chưa đúng mục đích tôn chỉ của tờ báo, vì sự cám dỗ của vật chất đạo đức nghề nghiệp bị coi nhẹ. Một số nhà báo lao vào sai phạm, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Nhưng, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại quá khứ rất tự hào của đội ngũ những người làm báo. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận lại mình, bản thân từng nhà báo phải xem mình có điểm gì chưa hoàn thiện để cố gắng trau dồi kể cả đạo đức nghề nghiệp lẫn phẩm chất năng lực làm báo để hòa nhập vào xu thế thời đại cũng như khẳng định lại đội ngũ làm báo trước Tổ quốc, trước nhân dân, trước các đồng nghiệp, đồng bào.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận Dự án Luật PCTN (sửa đổi), rất nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng vai trò của báo chí rất quan trọng. Vai trò của báo chí thể hiện ở chỗ phát hiện ra những địa chỉ tham nhũng để các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Thanh tra vào cuộc thanh tra.

Tôi đánh giá cáo vai trò của báo chí trong mặt trận PCTN. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, do quan niệm của từng cơ quan báo chí, rồi do nhận thức của một số nhà báo nên trong công cuộc PCTN của chúng ta, vai trò báo chí của một số cơ quan chưa được phát huy hiệu quả.

Nhà báo cũng là con người, cơ quan báo chí cũng như một tổ chức Nhà nước, nên nó liên quan đến cơm áo gạo tiền của từng thành viên. Người đứng đầu cũng phải lo tổ chức đời sống anh em. Mặt khác, cơ quan báo chí cũng là cơ quan có quyền lực nên nếu không kiểm soát tốt quyền lực dễ dẫn đến tham nhũng. Trên thực tế, chúng ta đã có một số nhà báo có tính chất như tham nhũng, một số lãnh đạo cơ quan báo chí cũng bị xử lí kỉ luật vì liên quan đến vấn đề có thể tạm gọi là tham nhũng. Do đó, theo tôi, biện pháp PCTN cũng phải áp dụng trong các cơ quan báo chí.

Báo Thanh tra thời gian gần đây, tôi thấy chất lượng khá lên rất nhiều, thể hiện ở việc số lượng bài hấp dẫn bạn đọc nhiều hơn, nội dung gần gũi hơn. Bài trên báo in ngắn gọn. Bài trên báo điện tử phản ánh đa chiều, mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Mảng thanh tra vẫn là thế mạnh của báo, những câu chuyện về công tác thanh tra cũng tạo nên nét hấp dẫn riêng.

Báo Thanh tra còn đi sâu vào công tác PCTN, đây là mảng mà nhân dân rất quan tâm cũng như cung cấp thêm nghiệp vụ cho ngành Thanh tra. Theo tôi, về lâu dài nên đầu tư để chuyên mục PCTN thực sự hấp dẫn. Những bài tốt trên báo in và báo điện tử, nên chuyển thể sang loại hình video, audio, để chuyển tải được nhiều thông tin đến bạn đọc hơn, tạo sức hấp dẫn cho tờ báo.

Bà Nguyễn Thị Đức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các Cơ quan Trung ương: Cần coi PCTN là một trận tuyến

Báo chí đã thể hiện rất tốt vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng, là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể nhân dân và chuyển tải những phản hồi, mong muốn của người dân tới cơ quan chức năng để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn. 

Để làm được điều đó, bản thân mỗi người làm báo cần ý thức rõ được trách nhiệm của mình đối với đất nước, với dân tộc khi đưa bài viết ra công luận. Bài viết không chỉ kịp thời, chính xác mà trong đó phải có sự công tâm, phải trăn trở suy nghĩ làm sao để bài viết có thể thức tỉnh những hành động, suy nghĩ tốt đẹp.

Hiện nay, tham nhũng được coi là vấn nạn nhức nhối, nhà báo cần phải kiên quyết, dũng cảm đấu tranh, lên án, nhưng bên cạnh đó phải khích lệ được tinh thần đồng lòng nhất trí, niềm tin của nhân dân vào sự nhất định thắng lợi của cuộc chiến này. 

Người làm báo phải tâm sáng, lòng trong, ngòi bút không chỉ sắc bén trung thực mà còn phải khách quan, công tâm. Đồng thời, nhà báo cũng cần phải năng động, sáng tạo, luôn luôn học hỏi, cầu thị để trau dồi kiến thức, trau dồi đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp. Có như vậy thì báo chí mới có thể ngày một phát triển, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.

Với sứ mệnh đặc biệt của mình, Báo Thanh tra cần coi PCTN là một trận tuyến. Trên trận tuyến đó, mỗi nhà báo là một chiến sĩ luôn mong được cống hiến cho xã hội bằng cả cái tâm, cái tầm của mình bằng ngòi bút chân thật, sắc bén và đầy tính nhân văn.

Ban Mai - Thủy Ngân - Bích Nguyệt 
(Thực hiện)