Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng, xã hội càng phát triển, dân chủ trong xã hội càng cao thì vai trò của báo chí càng quan trọng. Mỗi tờ báo đều xác định trách nhiệm xã hội của mình, tức là thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

“Báo chí vừa cung cấp thông tin, vừa định hướng thông tin cho dư luận. Không chỉ vậy, thời gian vừa qua, chúng ta thấy, báo chí có vai trò rất rõ trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, những hành vi sai trái trong xã hội”, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

+ Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

- Có thể nói, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng, chúng ta phát hiện đưa ra truy tố, xét xử dường như đều gắn với phát hiện của báo chí. Qua hoạt động nghiệp vụ của mình, báo chí đã kịp thời phát hiện ra những biểu hiện vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực và có loạt bài điều tra.

Khi những sai phạm đó được đưa ra công luận, báo chí đã kéo các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Cho nên, vài trò phát hiện của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như các hành vi sai trái trong xã hội rất rõ. 

+ Thực tế cho thấy, trong quá trình tác nghiệp, nhất là khi xông pha phanh phui những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, báo chí luôn gặp những “rào cản”, thậm chí còn bị đe dọa, hành hung?

- Rõ ràng, điều tra của báo chí với điều tra của hệ thống các cơ quan tư pháp là khác nhau. Các cơ quan tư pháp được trao cho chức năng, nhiệm vụ để làm công tác điều tra, truy tố, xét xử. Còn nghiệp vụ điều tra của báo chí là điều tra ban đầu, điều tra để phát hiện. 

Xét theo góc độ đó, báo chí sẽ có những khó khăn khi tiếp cận sâu với hồ sơ, tìm những chứng cứ cụ thể. Và đúng là trong quá trình hoạt động, các nhà báo đã gặp những khó khăn nhất định.

Nhưng vừa qua, chúng ta có Luật Báo chí (sửa đổi) trong đó đã chú ý hơn việc bảo vệ nhà báo, tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí, của các nhà báo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

+ Như ông nói, chúng ta đã có Luật Báo chí sửa đổi, ngoài ra còn có Luật Tiếp cận thông tin, rồi Luật Phòng, chống tham nhũng… nhưng nhiều cơ quan vẫn không chịu công khai, minh bạch, trả lời báo chí như luật định?

- Đúng như vậy! Có lẽ đây là một tồn tại của hệ thống hành chính. Dường như việc công khai, minh bạch thông tin với xã hội, với người dân nói chung, trong đó có cơ quan báo chí nói riêng còn hạn chế. 

Chúng ta có luật như vậy. Chúng ta đã yêu cầu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng trong thực tế việc thực hiện thì không như mong muốn. Bản thân người dân vẫn kêu ca khi đến 1 cơ quan công quyền nào đó, tìm hiểu một thủ tục nào đó.

Điều đó đòi hỏi chúng ta vừa phải đẩy mạnh việc thực hiện luật, vừa phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ cách thức làm việc của các cơ quan công quyền để làm sao phải cởi mở, thân thiện, đáp ứng được tốt yêu cầu của xã hội, của người dân và của cơ quan báo chí. 

+ Để cơ quan báo chí, nhà báo yên tâm dấn thân đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cần phải làm gì, thưa ông?

- Như tôi đã nói, đầu tiên là phải phổ biến, tuyên truyền để xã hội, người dân, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, công quyền biết, thực hiện đúng luật trong việc tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và nhà báo tác nghiệp.

Các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng phải nắm chắc pháp luật, khai thác được hết các quy định của luật, cái gì là quyền hạn, trách nhiệm của mình thì dùng hết và dùng có hiệu quả. Trường hợp cần thiết thì có những trình bày, phản ảnh với cơ quan quản lý về những hành vi không tạo điều kiện cho báo chí và nhà báo hoạt động.

Và khi có những hành vi cản trở, không tạo điều kiện cho báo chí, cho nhà báo hoạt động, chúng ta đối chiếu với các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm. Qua đó, cũng tuyên truyền để xã hội, các cơ quan khác biết, tạo điều kiện phối hợp với báo chí tốt hơn.

Bản thân cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. Đồng thời khắc phục những tồn tại từ phía báo chí, từ phía một số nhà báo để tạo hình ảnh, ấn tượng tốt đối với các cơ quan, xã hội về trách nhiệm hoạt động của mình.

+ Xin cảm ơn ông!


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường: Thanh tra tìm lẽ phải đã khó, báo chí tìm sự thật còn khó hơn

Báo chí có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống tham nhũng. Hơn ai hết, những người làm báo luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân, cũng như tìm hiểu cội nguồn những sai phạm, tiêu cực, tham nhũng để phản ánh kịp thời.

Là người công tác ở địa phương, chúng tôi đánh giá rất cao điều này. Thông qua kênh báo chí, còn giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và ban hành các quy định, cơ chế chính sách sát thực với đời sống hơn.

Trong quá trình tác nghiệp để phanh phui những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, báo chí lại gặp nhiều khó khăn. Tôi là người từng có nhiều năm làm công tác thanh tra thấy muốn đi tìm một lẽ phải đã hết sức khó khăn mà báo chí là người tiếp cận thông tin, tài liệu để tìm ra sự thật thì còn khó khăn hơn. Trong khi, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là những người đứng đầu những người thi hành công vụ khi làm sai thì luôn luôn né tránh.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu, sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước đã trao, trước hết báo chí phải dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân phản ánh, đối chiếu với các quy định pháp luật để tìm lẽ phải, phát hiện những tiêu cực, tham nhũng, tham ô… Quan trọng, khi chống tham nhũng, ngoài kỹ năng, đạo đức, nhà báo phải nắm chắc pháp luật. Trong quá trình tác nghiệp, cũng cần khôn khéo phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình.

Còn về phía cơ quan Nhà nước thì phải công khai, minh bạch, luôn luôn tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, cũng như bảo vệ nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp.

Cuối cùng, những hành vi cản trở hoạt động của báo chí, hành hung, đe dạo, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nhà báo thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.



Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu: Báo chí là “kênh” giám sát chống tha hóa quyền lực

Người ta thường bảo quyền lực hay bị tha hóa. Người có quyền lực nếu không giữ được bản lĩnh, không có sự giám sát thì bị tha hóa ngay. Để giám sát quyền lực, theo nhận thức của tôi thì có hai cách và phải tiến hành đồng thời cả hai.

Thứ nhất, giám sát trong nội bộ, nghĩa là tất cả tổ chức đảng, người quản lý cán bộ, đảng viên phải trực tiếp giám sát việc thi hành công vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Nội bộ giám sát tốt rồi, bên ngoài cũng phải giám sát thật tốt. Giám sát bên ngoài chính là thông qua vai trò của báo chí và nhân dân. Khi báo chí, nhân dân giám sát thấy có dấu hiệu tiêu cực, nhưng cơ quan Nhà nước chưa biết, chưa phát hiện hoặc giấu giếm thì từ bên ngoài tác động vào sẽ rất tốt.

Riêng với lực lượng Công an, vai trò của báo chí rất lớn. Theo pháp luật hình sự, tất cả thông tin phản ánh của báo chí nếu có dấu hiệu tội phạm, Công an phải tiến hành xác minh. Đây là kênh thông tin rất tốt, từ nguồn tin này, khi chúng tôi tiến hành xác minh thì ra được rất nhiều vấn đề.

Anh em báo chí có kỹ thuật điều tra riêng và họ tìm ra rất nhiều thông tin bổ ích. Không chỉ Công an đâu, cả thanh tra, kiểm tra, từ thông tin ban đầu của báo chí đã phát hiện được nhiều tiêu cực, nhiều vụ việc còn lẫn khuất, làm rõ bản chất để xử lý.

Tôi mong, các cơ quan báo chí, khi tiếp nhận, tuyên truyền, phản ánh thông tin thì đa chiều mang tính xây dựng, chứ không nên theo 1 chiều. Khi thông tin đa chiều, nhiều góc cạnh, người đọc sẽ rút ra được cái gì là bản chất. Cái gì đúng chúng ta ủng hộ, cái gì chưa đúng, chúng ta phải điều chỉnh, còn sai phạm thì phải xử lý.


Hương Giang