Theo Báo cáo số 127/BC-UBND, tại cuộc họp ngày 12/5, do ông Phương Kiến Quốc, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy chủ trì đã ghi nhận 21/22 ý kiến phát biểu tại cuộc họp phản đối dự án nghiên cứu lấy đất công viên Cầu Giấy để xây dựng bãi đỗ xe ngầm và dịch vụ thương mại.

Theo đó, UBND Cầu Giấy ghi nhận 6 nhóm các ý kiến của người dân. Các ý kiến này tựu chung đều phản đối việc “xẻ thịt” đất công viên làm bãi xe.

Liên quan đến nhóm ý kiến cho rằng việc chọn địa điểm nghiên cứu dự án là chưa hợp lý, UBND Cầu Giấy ghi nhận nội dung hiện nay, đất công viên ở Hà Nội còn thiếu, mật độ cây xanh tính trên đầu người ở quận Cầu Giấy còn thấp, người dân còn thiếu khu vui chơi. Công viên Cầu Giấy luôn được xem là “lá phổi xanh” nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân.

Do vậy, việc triển khai bãi đỗ xe tại công viên Cầu Giấy sẽ phá vỡ cảnh quan, môi trường xanh sạch, không gian yên tĩnh vốn có của công viên, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân xung quanh.

Việc xây dựng bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ trên đất công viên Cầu Giấy không giải quyết được việc đỗ xe mà sẽ tạo thành điểm đen ùn tắc giao thông tại khu vực.

Đất công viên làm bãi xe, trung tâm thương mại sẽ là "điểm đen" về giao thông?

UBND quận Cầu Giấy cũng báo cáo với lãnh đạo thành phố về việc cư dân không tin tưởng vào tính khả thi của các dự án bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại, khi mà, thời gian gần đây nhiều dự án bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ trên địa bàn thành phố sử dụng không đúng mục đích như dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính, Nguyễn Khánh Toàn.

Do vậy, người dân không tin tưởng vào các dự án bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại triển khai trên đất công viên Cầu Giấy. Nhất là khi dự án đề xuất ngoài 3 tầng hầm (2 tầng đỗ xe, 1 tầng trung tâm thương mại) còn có khối công trình nổi cao 9 mét với diện tích hơn 700m2.

Trong khu vực nghiên cứu dự án còn một số ô đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe nhưng chưa được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng mục đích và một số ô đất chậm triển khai.

Đề nghị thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đưa vào sử dụng đúng quy hoạch bãi đỗ xe hoặc thu hồi đất chậm triển khai dự án, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu làm bãi đỗ xe ngầm và bãi xe cao tầng.

Ngoài ra, UBND quận Cầu Giấy cũng báo cáo thành phố về ý kiến của người dân trong việc lựa chọn đơn vị nghiên cứu đề xuất dự án.

Người dân không muốn "xẻ thịt" công viên Cầu Giấy làm bãi xe 

Việc điều chỉnh quy hoạch nghiên cứu dự án cần phải được thực hiện bởi cơ quan Nhà nước, các cơ quan chuyên ngành về quy hoạch, không thể giao cho một đơn vị tư nhân nghiên cứu đề xuất. Do vậy, việc lựa chọn Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ có đúng quy định và đủ năng lực không?

Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch phải có điều tra xã hội học, lấy ý kiến cộng đồng cư dân, phải đấu thầu công khai. Nhà đầu tư được lựa chọn không thể trùng với đơn vị được giao nghiên cứu, đề xuất dự án.

Với nhóm ý kiến phản ánh đơn vị chủ đầu tư không công khai hồ sơ dự án với người dân cũng đã được quận Cầu Giấy ghi nhận và đưa vào Báo cáo số 127/BC-UBND.

Dự án chưa làm rõ sự phù hợp, nhu cầu bãi đỗ xe gắn với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông, sự phát triển giao thông công cộng.

Chủ đầu tư đưa ra các thông số không đúng, sai thực tế như chung cư N08B liền sát với phạm vi khu đất nghiên cứu làm bãi xe chỉ cao 3 - 4 tầng, trong khi thực tế cao 10 tầng.

Chung cư N04B1, N04B2 hiện là các tòa nhà cao 18 và 11 tầng thì chủ đầu tư lập bản vẽ là đất đô thị chưa xây dựng!

Hồ sơ nghiên cứu dự án cũng chưa nêu đánh giá tác động về môi trường.

Về tính toán kinh tế, việc đầu tư vào bãi đỗ xe này sẽ lỗ, vậy tại sao vẫn đầu tư?

Những nghi vấn của cư dân về động cơ thực “núp bóng” danh nghĩa bãi đỗ xe của chủ đầu tư tại dự án này cũng được lãnh đạo quận Cầu Giấy ghi nhận và báo cáo.

Công viên Cầu Giấy đang đứng trước nguy cơ bị "xẻ thịt" làm bãi xe

Cho rằng quá trình triển khai lấy ý kiến cộng đồng còn chưa khách quan, Báo cáo số 127 ghi nhận các nội dung phản ánh.

Như phạm vi lấy ý kiến chỉ cần của vùng ảnh hưởng trực tiếp, không nhất thiết phải lấy ý kiến xa khu vực nên việc lấy kiến chưa khách quan.

Phiếu lấy ý kiến không được gửi đến cho tất cả các gia đình trong phạm vi lấy ý kiến.

Tỷ lệ phiếu lấy ý kiến chưa được làm rõ giữa số phiếu đồng thuận và đồng thuận của các Tổ dân phố, các toàn nhà. Vì tất cả các tòa nhà trực tiếp xung quanh khu việc nghiên cứu dự án đều không đồng thuận (chung cư N04B1, B2, N08B, N10…).

Theo kết quả công bố có trên 800 phiếu không đồng thuận nhưng thực tế có trên 1.000 hộ dân ký vào đơn không thuận gửi các cơ quan có thẩm quyền.

“Cư dân đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao các sở, ngành xem xét, trả lời kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, người dân chưa nhận được trả lời từ các cấp có thẩm quyền, đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ngành sớm trả lời người dân theo quy định” - Báo cáo số 127 nêu rõ.

Quang Đông