Nội dung phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tập trung vào việc nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thể chế về PCTN, mà trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội để PCTN; tham gia ý kiến về chủ trương, định hướng lớn trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính.

Hai cơ quan cũng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao về cải cách tư pháp; về công tác bồi thường Nhà nước, bổ trợ tư pháp; công tác thi hành án dân sự đối với các vụ án điểm, án tham nhũng, kinh tế; công tác giao dịch bảo đảm, kê biên, phong tỏa tài sản, xử lý tài sản đảm bảo… phục vụ công tác PCTN.

Phương thức phối hợp sẽ thực hiện thông qua: tổ chức các đoàn liên ngành và cử cán bộ phối hợp; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan; tổ chức các cuộc họp. Vụ Cơ quan Nội chính (Vụ 4), Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Bộ Tư pháp là đầu mối giúp lãnh đạo hai cơ quan xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế.

Phát biểu tại lễ ký, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định đây là sự kiện quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tin tưởng, việc thực hiện tốt Quy chế sẽ góp phần quan trọng để Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình trong công tác nội chính, PCTN; góp phần giúp Bộ Tư pháp thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng hứa sẽ quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện tốt các nội dung của Quy chế, đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra và phối hợp với Ban Nội chính Trung ương để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thảo Nguyên