Ấn tượng mạnh vẫn là phần hỏi của đại biểu Lê Như Tiến: “Hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Xin Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức Nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh?”.

Đại biểu Tiến gọi thời điểm nhạy cảm đó bằng một cụm từ “Hoàng hôn nhiệm kỳ” có phần nhuốm màu lãng mạn. Đó là cái vỏ bình yên, nhưng trong lòng nó đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn, bức xúc, tiêu cực... đã trở thành tệ nạn mà dấu hiệu ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhức nhối hơn đối với toàn xã hội. Hoàng hôn là thời điểm cuối của một ngày. Thời gian còn lại không còn nhiều, sức lực của con người cũng đã oải sau một ngày lao động. Sự gắng gượng cũng chẳng làm thay đổi được là bao, phải chăng công việc bị buông xuôi?

“Hoàng hôn nhiệm kỳ” lại là thời điểm nhiều công việc dễ bị buông xuôi, nhưng rất dễ nảy sinh nhiều việc không tốt, để khi xã hội suy xét về trách nhiệm thì lại dễ kết luận việc đã rồi! Cha ông ta ví những việc ấy như chuyện “cưới chạy tang”, đó là bổ nhiệm “ào ào” nhiều cán bộ, cấp phép hàng loạt dự án... Câu hỏi của đại biểu Tiến làm cả nghị trường nín thở, chờ đợi trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Với bản lĩnh của Tư lệnh ngành, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh không né tránh, ông cho rằng câu hỏi trên là rất chính đáng và là vấn đề rất đáng quan tâm vì thời gian qua đã xảy ra một số vi phạm. Tổng Thanh tra đã nêu ba giải pháp khắc phục: Báo cáo của Chính phủ năm 2015 - 2016 về công tác phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, các chủ trương phòng, chống tham nhũng; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Các giải pháp rất rạch ròi.

Trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ là trách nhiệm tương đương với các Bộ trưởng, nhưng phần việc của vị Tổng Thanh tra lại gấp đôi. Tổng Thanh tra vừa phải lo phần chống tham nhũng trong ngành mình, lại vừa thực thi nhiệm vụ thanh tra ở các bộ, ngành khác.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận xét với báo giới: Tổng Thanh tra đã thể hiện quyết tâm tuyên chiến của ngành với tham nhũng trước “Hoàng hôn nhiệm kỳ”, thể hiện trách nhiệm của mình, tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của đại biểu.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ tin tưởng: “Toàn ngành Thanh tra làm được như cam kết của người đứng đầu ngành thì trong thời gian tới, hiệu lực, hiệu quả của ngành sẽ tốt hơn nữa”.

Câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến đã đi vào lịch sử nghị trường về việc hỏi trúng và đúng. Những câu hỏi như thế thì người trả lời không thể “vòng vo tam quốc”. Tuy nhiên, vẫn có những Bộ trưởng họ “Hứa”, Bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa, Bộ trưởng “chuyển giao” việc thực thi lời hứa cho thế hệ kế nhiệm... Điều tốt nhất để các Bộ trưởng tự tin trước Quốc hội là cố gắng làm tốt phần việc của mình. Có làm được thì mới đàng hoàng nói được, không sợ mất điểm. Với những cải cách về cách hỏi, cách trả lời, rõ ràng chất lượng của nghị trường đang được cải thiện, vươn tới những giá trị dân chủ, giá trị cốt lõi của Quốc hội.

Thế Lữ