Tự mở sổ theo dõi thu tiền bệnh nhân

Theo báo cáo và văn bản giải trình của Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, tổng số ca khám và điều trị phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ trong năm 2018 là 1.849 ca, trong đó có 144 ca bệnh nhân có sử dụng vật liệu nhân tạo.

Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ thu tiền của bệnh nhân hơn 3,8 tỷ đồng, nhưng không cung cấp chứng từ thu tiền thực tế của 144 bệnh nhân cho Thanh tra TP Hồ Chí Minh.

Trong số tiền thu được, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ nộp tiền công phẫu thuật, thủ thuật cho bộ phận thu viện phí của Phòng Tài chính – Kế toán tổng số tiền 1,086 tỷ đồng. Các bác sĩ của khoa thực hiện mua và thanh toán tiền vật liệu nhân tạo cho các công ty hơn 773 triệu đồng, nhưng không cung cấp tài liệu, chứng từ, hợp đồng mua vật liệu nhân tạo của các công ty cho Thanh tra TP. Số tiền chênh lệch còn lại hơn 1,9 tỷ đồng, các bác sĩ của Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ thụ hưởng.

"Qua thanh tra hoạt động của Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ trong năm 2018, sơ bộ phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về tài chính, thu lợi bất hợp pháp số tiền 1.947.494.990 đồng, có 101 hồ sơ bệnh án không thể hiện tem dán, nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ các loại vật liệu nhân tạo đã sử dụng trong phẫu thuật, có 14 trường hợp sử dụng dịch vụ chưa kê khai giá với Sở Y tế", Kết luận thanh tra số 18/KL-TTTP-P3 của Thanh tra TP Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Liên quan nội dung này, theo Kết luận số 1006/KL-SYT ngày 5/3/2019 của Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về kết luận xác minh nội dung tố cáo, có 5 bác sĩ gồm: Phạm Trịnh Quốc Khanh, Đinh Phương Đông, Nguyễn Xuân Thiện, Nguyễn Ngọc Nhơn và Trần Lê Hồng Ngọc đã hưởng chênh lệch số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Sở Y tế đã có các quyết định thu hồi số tiền này vào tài khoản tạm giữ của đơn vị đối với 5 bác sĩ nêu trên. Tuy nhiên, theo báo cáo tại Văn bản số 2888/SYT-Ttra ngày 4/6/2019 của Sở Y tế, hiện nay có 4 bác sĩ đã thực hiện nộp tiền. Riêng ông Nguyễn Ngọc Nhơn chưa chấp hành nộp số tiền gần 300 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Sở Y tế.

Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, việc điều dưỡng của Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ thu tiền của bệnh nhân (tự mở sổ theo dõi thu tiền) và các bác sĩ thực hiện thu tiền vật liệu nhân tạo của các bệnh nhân để mua sắm, sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ là thực hiện chưa đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế bệnh viện và Quyết định số 908/QĐ-BVTV ngày 29/12/2017 của Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương về việc ban hành quy trình quản lý, phối hợp công việc đợt 3 năm 2017.

Tiếp tục thanh tra làm rõ

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Bệnh viện Trưng Vương không thực hiện mua sắm vật liệu nhân tạo, không theo dõi các mặt hàng vật liệu nhân tạo (nguồn gốc, chất lượng hàng hóa) là thực hiện chưa đúng theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013, Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 4/2/2010 của UBND TP Hồ Chí Minh…

Kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NT

Theo trình bày của Bệnh viện Trưng Vương: “Tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư y tế tiêu hao (trong đó có mặt hàng vật liệu nhân tạo để phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ) nhưng không lựa chọn được nhà thầu hoặc nhà thầu không tham gia dự thầu. Do đó, Bệnh viện không có vật liệu nhân tạo để sử dụng phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ cho các bệnh nhân và khách hàng thẩm mỹ”.

Kết luận thanh tra khẳng định: Bệnh viện Trưng Vương không báo cáo nội dung vụ việc với Sở Y tế mà Giám đốc Bệnh viện lại ban hành các quyết định giao cho Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ chịu trách nhiệm tư vấn vật tư y tế tiêu hao phục vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, tư vấn các loại sản phẩm phục vụ chuyên môn tạo hình thẩm mỹ và giới thiệu công ty cung cấp để bệnh nhân lựa chọn, chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm, là chưa đúng trách nhiệm, quyền hạn của trưởng khoa; chưa đúng về trình tự, thủ tục mua sắm hàng hóa theo quy định.

Theo quy định, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý, phải được ghi rõ, đầy đủ các mục trong hồ sơ bệnh án và bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Việc Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ có 101 hồ sơ bệnh án không thể hiện tem dán, nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ các loại vật liệu nhân tạo đã sử dụng trong phẫu thuật cấy ghép vào cơ thể người là thực hiện chưa đúng về hồ sơ bệnh án quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Đáng chú ý, khi đoàn đang tiến hành thanh tra Bệnh viện Trưng Vương theo kế hoạch, thì Sở Y tế có Văn bản số 1206/SYT-TTr ngày 14/3/2019, kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh thanh tra, làm rõ các sai phạm về hoạt động thu, chi, chênh lệch tiền phẫu thuật thẩm mỹ, vật liệu nhân tạo tại Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ vào thời điểm trước năm 2018.

Sau khi xem xét, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp Sở Y tế, thành lập đoàn liên ngành để thanh tra việc thực hiện thu, chi tại Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ trong quý IV/2019.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhật Tường