Ngày 4/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 11, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao.

Cơ chế kiểm soát lực lượng vũ trang làm kinh tế đủ chưa?

Nêu ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ tích cực hơn nữa, nhất là thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước ở châu Âu, Mỹ.

“Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến, tội phạm khi thoát ra ngoài cứ nhởn nhở, gây ra sự bất công rất lớn”, ông Nghĩa nói thêm, khi điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, các lực lượng chức năng gặp một số hạn chế như điều tra các tài khoản, tài sản ở nước ngoài. Cho nên, nếu làm tốt hợp tác quốc tế sẽ truy ra được tội phạm, làm rõ từ đâu mà có được những khoản tiền rất lớn như thế..

Cũng theo ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh, hiện tượng “đi sau tội phạm, chủ yếu chữa cháy” diễn ra ngày càng nhiều hơn.

Ông đặt vấn đề: Tội phạm thời gian qua có 3 đặc điểm: Công khai, kéo dài và quy mô lớn. Ví dụ, khai thác cát lậu, phá rừng, máy móc chạy rầm rộ, báo đăng liên tục mười mấy năm nay. Hay những vụ án ngân hàng kéo dài 5-7, thậm chí 10 năm, dự án có vấn đề đắp chiếu, trùm mền, tham nhũng, tiêu cực, những vụ như Vũ "nhôm", Út "trọc" dư luận đồn đại nhiều, đến các địa phương đều nói, mà Nhà nước lại không làm.

“Tôi nghĩ, chức năng quản lý Nhà nước không phải là đợi đến lúc giết người rồi đi xử lý. Chức năng của chúng ta là phòng, chống không để nó xảy ra, xảy ra nhiều thì giảm thiểu để xảy ra ít, quy mô nhỏ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đề cập đến việc kiểm soát tội phạm, ĐB TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhắc đến vụ Vũ "nhôm" hay “Út trọc” rồi đặt vấn đề: Những anh này là doanh nhân hay cán bộ lực lượng vũ trang? Lên tới cấp thượng tá không chừng vài năm nữa lên đến cấp đại tá, rồi thiếu tướng. Đây là lực lượng tinh nhuệ, lãnh đạo người khác thì anh đã được đào tạo thế nào, quy trình phát triển, bồi dưỡng như thế nào? Ai kiểm soát, lãnh đạo những người này mà để xảy ra như vậy?

“Kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất bình phong hay là lực lượng vũ trang làm kinh tế có cơ chế đầy đủ chưa? Quá trình đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng như thế nào? Mục đích chính là làm giàu hay là hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, Nhà nước? Những ông này cấp đại tá, thiếu tướng thì mục đích là gì mà có khối lượng tài sản lớn như thế?”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt một loạt câu hỏi.

Theo ông Nghĩa, nếu chúng ta chưa có cơ chế thì phải suy nghĩ và phải có cơ chế để quản lý, giám sát.

Ông Vũ Trọng Kim (ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân tại sao những người thi hành công vụ, có chức, có quyền vi phạm nghiêm trọng để từ đó có hướng khắc phục. Còn với những người vi phạm thì phải trừng phạt đến nơi, đến chốn.

Tạo “bình phong” để vi phạm luật

Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số hạn chế.

Đáng chú ý, đã có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

“Có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý”, ông Pha nhấn mạnh.

Về nguyên nhân, theo nhóm nghiên cứu, do công tác quản lý cán bộ trong lực lượng chức năng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm nói riêng vẫn còn sơ hở. Tổ chức bộ máy có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến một số cán bộ, sĩ quan lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng nhắc lại một số vụ nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm như vụ đánh bạc nghìn tỷ và một số vụ do sỹ quan cao cấp trong ngành Công an, Quân đội thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh Ủy ban này, dư luận, cử tri đánh giá cao việc đã phát hiện, xử lý.

Bộ Công an thẳng thắn, đấu tranh rất cương quyết, để đưa những vụ này ra ánh sáng. Chúng tôi rất hoan nghênh. Điều đó, cũng thể hiện rằng, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng và đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bà Nga nói.

Mặt khác cũng cho thấy, có tham nhũng ngay trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng và tội phạm cũng xảy ra ngay trong một số bộ phận của cơ quan phòng, chống tội phạm.

“Đó là việc rất là lớn. Khi nhìn nhận cần nhìn nhận cả 2 mặt vì tác động đến lòng tin của người dân và kỷ cương, kỷ luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Hương Giang