Qua 10 năm, các cơ quan chức năng đã xác minh được 4.859 trường hợp có dấu hiệu bất minh trong kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Qua theo dõi thực hiện quy định về việc nộp lại quà tặng, Thanh tra Chính phủ đánh giá “còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi”. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Từ năm 2006-2015 có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng và chỉ có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Trong khoảng thời gian trên, cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp.

“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu”- Thanh tra Chính phủ nhận định. 

3 đề xuất xử lý tài sản kê khai không trung thực

Thanh tra Chính phủ cho rằng, xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch là một trong những nội dung rất quan trọng, quyết định hiệu quả của việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Qua thực tiễn đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc thực hiện chế định về minh bạch tài sản, thu nhập không hiệu quả, mang tính rất hình thức là do thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế xử lý tài sản, thu nhập, kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý là rất cần thiết.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng để minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu quả thì cần hướng tới quản lý tài sản và kiểm soát thu nhập, chi tiêu trong toàn xã hội. Trong khi chưa thiết lập được cơ chế quản lý tài sản và kiểm toán thu nhập, chi tiêu toàn xã hội, một số quốc gia đã áp dụng các phương thức thu hồi tài sản tham nhũng khác nhau như quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính và thu hồi hình sự đối với tài sản, thu nhập bất minh (hiện có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định tội phạm đối với hành vi “làm giàu bất chính” và tịch thu theo trình tự tố tụng hình sự đối với “tài sản tăng lên một cách đáng kể mà không giải trình được một cách hợp lý”) hoặc thu hồi dân sự đối với tài sản tham nhũng…

Việc đưa ra các giải pháp về thu hồi tài sản tại Việt Nam cần quán triệt chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và dựa trên các nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo quyền công dân và quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật. Theo đó, việc tịch thu tài sản tham nhũng chỉ được thực thi khi có bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về hành vi tham nhũng của cá nhân và tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng đó. Do vậy, mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng nhưng phải tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền về tài sản của công dân.

Từ phân tích đó, Thanh tra Chính phủ đưa ra 3 phương án để xử lý đối với tài sản có dấu hiệu bất minh. Phương án thứ nhất: Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý theo hướng, qua kết quả xác minh nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệnh; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập tăng thêm.

Phương án thứ 2: Việc thu hồi tài sản phải thông qua bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền về hành vi tham nhũng của người kê khai tài sản, thu nhập (tội phạm tham nhũng) và tài sản bị thu hồi là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.

Phương án 3: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý phải được thu hồi ngay mà không cần thông qua bản án (không cần thông qua phương thức khởi kiện dân sự)

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng thì việc tài sản, thu nhập của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng thêm đó bị coi là hành vi làm giàu bất hợp pháp và bị xử lý. Tuy nhiên cơ quan thanh tra cho rằng việc đưa ra các giải pháp về thu hồi tài sản tại Việt Nam cần quán triệt chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và dựa trên các nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo quyền công dân và quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật.

Vì vậy, việc thu hồi tài sản của cá nhân phải dựa trên bản án có hiệu lực pháp luật. Căn cứ cơ chế thu hồi hình sự như hiện nay thì việc thu hồi tài sản tham nhũng rất khó thực hiện. Bởi việc chứng minh tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng là rất khó khăn, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian với trình tự, thủ tục tố tụng kéo dài. Trong thời gian đó, tài sản tham nhũng đã bị đối tượng tẩu tán với nhiều cách thức khác nhau và thực tiễn đã cho thấy hiệu quả thu hồi tài sản là rất thấp.

Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị cần đổi mới cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng theo cơ chế kiện dân sự để đảm bảo tính khả thi hơn hơn mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc pháp quyền và các nguyên tắc hiến định liên quan đến quyền tài sản của công dân. Vì vậy, cơ quan này đề xuất Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khi thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lựa chọn phương án 1 như đã thể hiện trong dự thảo luật.

Theo Thế Kha/Dân trí