Vì phát triển, hòa bình và an ninh

Theo tổ chức Liên Hợp quốc, tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm, phá hoại sự phát triển của kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Mọi quốc gia, vùng lãnh thổ và cộng đồng trên thế giới đều phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng.

Nhân Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng 9/12/2017, tổ chức Liên Hợp quốc thực hiện Chiến dịch Hiệp lực chống tham nhũng với thông điệp chính "Ai cũng có quyền đứng lên, chống lại tham nhũng và chúng ta phải chung tay làm việc này”.

“Chống tham nhũng có ý nghĩa sống còn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Tổ chức Liên Hợp quốc kêu gọi, “hiệp lực chống tham nhũng vì phát triển, hòa bình và an ninh”.

Với Việt Nam, nhìn lại công tác PCTN năm 2017 thấy, Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Một loạt vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Đơn cử, qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank, đã tuyên 1 án tử hình, 1 án chung thân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; tích cực điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh để sớm đưa ra xét xử…

Riêng ngành Thanh tra, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016).

Đáng chú ý, qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, xử lý…  Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập cả trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát… Từ đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục.  “Năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ hạn chế các vụ việc nghiêm trọng tương tự xảy ra”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Theo công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam được chấm 33/100 điểm, tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 đã bị giữ nguyên trong 4 năm từ 2012 đến 2015.

Chống tham nhũng không có vùng cấm, ngoại lệ, đặc quyền

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực PCTN của Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng Đảng, Nhà nước vẫn nhận định, tham nhũng nhìn chung còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

“Đây là cuộc đấu tranh nội bộ vô cùng khó khăn phức tạp, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết, phải có bài bản, huy động sức mạnh tổng lực toàn Đảng, toàn dân thì mới có thể làm được”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong cuộc chiến này, xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt.

Theo Tổng Bí thư, “nếu để dân mất lòng tin là mất tất. Điều đó rất đúng. Bác Hồ nói từ lâu rồi! Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết làm và làm từng bước vững chắc”.

Thể hiện quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng cũng như thực hiện kế hoạch thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 với 8 nhóm nhiệm vụ chính.

Theo đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các cơ quan liên quan phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ PCTN với quan điểm “phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai”.

Với thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cử tri, nhân dân tin tưởng, điều này sẽ khích lệ các nhân tố tích cực trong PCTN, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.

Thảo Nguyên