Theo Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu (GCB) lần thứ 10 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố, 60% người dân Zimbabwe cho rằng mức độ tham nhũng đã gia tăng trong 12 tháng qua.
 
Trong khi đó, 71% nghĩ rằng, Chính phủ Zimbabwe đã làm không tốt trong việc chống tham nhũng; 25% người dùng dịch vụ công đã phải hối lộ trong 12 tháng qua; và 45% người dân cho rằng, bản thân người dân có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
Theo nghiên cứu của TI, tỷ lệ hối lộ tổng thể đã tăng từ 22% trong năm 2015 lên 25% vào năm 2019. Các cơ quan, tổ chức bị tham nhũng bủa vây bao gồm: Các trường công lập, phòng khám công và trung tâm y tế nhà nước, mua sắm công, cảnh sát...
 
So với năm 2015, tỷ lệ tham nhũng liên quan đến Văn phòng Tổng thống đã giảm 2%, ở mức 28% (năm 2015 là 30%).
 
Các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi tham nhũng bao gồm: Các nhà lập pháp và quan chức Chính phủ, quan chức chính quyền địa phương, tư pháp, giám đốc điều hành kinh doanh...
 
Cuộc khảo sát diễn ra vào thời điểm Chính phủ Zimbabwe và Đảng cầm quyền Zanu PF đang nỗ lực điều tra tham nhũng, vạch trần các quan chức tham nhũng.
 
Nhiều quan chức cấp cao của Zanu PF bao gồm cả Thư ký Tài chính - ông Obert Mpofu và một số thành viên Bộ Chính trị khác đã được "gọi tên" trong trung tâm của tham nhũng.
 
Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu của TI là khảo sát duy nhất trên phạm vi toàn cầu về tham nhũng, dựa trên quan điểm và trải nghiệm của người dân. Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu lần thứ 10 là kết quả khảo sát được thực hiện tại 35 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, với 47.000 người ở độ tuổi 18 trở lên tham gia.
 
TI ghi nhận, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia và Sierra Leone có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công phải đưa hối lộ cao nhất trong 12 tháng qua, với con số lần lượt là 80%, 53% và 52%. Trong khi Mauritius (5%), Botswana (7%), Cabo Verde (8%) là các nước châu Phi có tỷ lệ hối lộ ít nhất.

Ngọc Anh