Tất cả các sự kiện của Hội nghị, bao gồm cuộc họp về Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công lần thứ ba, cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23, Phiên họp cấp cao của Hội nghị đều đã thành công tốt đẹp.

Qua cuộc họp về Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh và cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công lần thứ ba, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ vấn đề thực trạng tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với các góc nhìn khác nhau từ phía doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát, kiểm toán và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các góc nhìn đó đều cùng một hướng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính và một xã hội tốt đẹp.

Ông Jeffrey Schlagenhauf, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh: Những nội dung mà Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về những chính sách, công cụ khác nhau để giúp chúng ta có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở trong các dự án hạ tầng.

“Lần đầu tiên chúng ta đã đề cập đến những tác động không chính đáng của cơ quan Nhà nước trong các dự án cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chúng ta cần có những cơ sở quản lý hạ tầng đúng chỗ, đúng lúc, đúng chi phí và đúng người. Tất cả phải được minh bạch, rõ ràng trong toàn bộ quá trình từ đầu tư đến tuổi thọ của công trình”, ông Jeffrey Schlagenhauf nói.

Phó Tổng Thư ký OECD cũng mong những năm tới Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều chính sách, sáng kiến để Sáng kiến chống tham nhũng có tính bền vững.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định Việt Nam cùng các nước trong khu vực phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Ảnh: TH

Tại bế mạc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình hoan nghênh Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), OECD và Sáng kiến đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10.

Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững đã đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường. 

Theo đánh giá mới nhất của các chuyên gia thì châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực đang cho thấy những tiến triển còn chậm trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta cần thúc đẩy sự phối hợp hành động giữa Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển cơ sở hạ tầng được đề cập cụ thể tại mục tiêu 9 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và đây là yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới việc đạt được các mục tiêu còn lại.

“Xuất phát từ bối cảnh khu vực đó, tôi đánh giá cao việc Sáng kiến đã lựa chọn “Phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng” là chủ đề chính của Hội nghị lần này tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Phó Thủ tướng Thường trực hy vọng, bên cạnh việc tham gia tích cực vào sự thành công chung của Hội nghị, các đại biểu cũng có cơ hội để cảm nhận về con người và đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách đang trong quá trình kiến tạo mạnh mẽ để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

“Tôi tin tưởng rằng các chuyên gia Việt Nam khi tham gia vào các phiên họp, phiên thảo luận của hội nghị cũng đã chia sẻ, chuyển tải thông điệp đến các bạn quốc tế, các đối tác phát triển về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, cùng đồng hành với các quốc gia trong khu vực, nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ; qua đó giúp tạo tiền đề vững chắc cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã được thông qua trong Chương trình nghị sự 2030”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, sau hội nghị sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với OECD, ADB và các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến để tổng hợp, nghiên cứu những kinh nghiệm thực tiễn tốt, những sáng kiến hay, sáng tạo đã được chia sẻ, thảo luận tại hội nghị lần này về nâng cao hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện trong thời gian tới.

Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam; qua đó xây dựng môi trường xã hội, môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi và bền vững cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn và sinh sống tại Việt Nam. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH

Về phía Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nhấn mạnh, kết quả của hai cuộc họp và phiên thảo luận cấp cao đã giúp xác định rõ nét hơn định hướng hành động trong giai đoạn tiếp theo về phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực. 

“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có cái nhìn tổng quan về tình hình và những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của các quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ của Sáng kiến trong các dự án cơ sở hạ tầng, xác định được những khó khăn, thách thức để từ đó thống nhất đề ra những chiến lược, giải pháp phòng, chống tham nhũng đầy đủ, toàn diện trong đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó góp phần vào những thành tựu chung trong phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam chia sẻ...

Nhuần – Hải