Báo cáo tháng 12/2015 của Global Financial Integrity (GFI) có tên Luồng tài chính phi pháp từ các quốc gia đang phát triển: 2004-2013 của 2 tác giả Dev Kar và Joseph Spanjers cho thấy các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã thất thoát tổng cộng 7.800 tỷ USD từ các luồng tài chính phi pháp (chuyển tiền phi pháp từ trong nước ra nước ngoài) trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2013.

Tính riêng trong năm 2013, lượng tiền chuyển phi pháp từ các nước đang phát triển và mới nổi là 1.100 tỷ USD. Trung bình trong giai đoạn 2004-2013, lượng tiền chuyển phi pháp tăng trung bình 6,5%/năm.

GFI cũng thống kê được tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2013, có tổng cộng 92,935 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài. Vào thời điểm 2013, lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài lên tới 17,837 tỷ USD.

 

Lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài tăng gần 4 lần trong giai đoạn 2004-2013. (Đồ họa: Vntinnhanh dự trên số liệu từ GFI)

 Lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài tăng gần 4 lần trong giai đoạn 2004-2013. (Đồ họa: Vntinnhanh dựa trên số liệu từ GFI)

Tính trung bình trong giai đoạn 2004-2013, mỗi năm Việt Nam thất thoát ra nước ngoài 9,2935 tỷ USD, tương đương với hơn 200 ngàn tỷ đồng. Con số này tăng gần 4 lần kể từ năm 2004 (4,034 tỷ USD) đến năm 2013 (17,837 tỷ USD).

Trước đó, vào ngày 6/4, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết hiện chưa có thông tin cụ thể nào cho thấy các cá nhân, tổ chức người Việt Nam có tên trong "Hồ sơ Panama".

Tuy nhiên trong trường hợp có người Việt bị phát hiện trong Hồ sơ Panama, người đó sẽ phải bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. "Nếu theo hồ sơ, tài liệu Panama mà phát hiện ra người Việt Nam thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác để điều tra làm rõ", ông Phạm Trọng Đạt cho biết.

Global Financial Integrity (GFI - Tổ chức Toàn vẹn Tài chính Toàn cầu) là một tổ chức nghiên cứu, tư vấn quốc tế phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại Washington, Mỹ. GFI chuyên đưa ra các nghiên cứu về các luồng tài chính phi pháp, đặc biệt với đối tượng là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi.

Các luồng tài chính phi pháp GFI nhắm tới thường đến từ hoạt động buôn bán phi pháp, trốn thuế, tham nhũng. Nhờ có một đội ngũ các nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia phân tích kinh tế, GFI cũng kiêm luôn nhiệm vụ cố vấn cho chính phủ các nước đang phát triển trong việc đưa ra các giải pháp về mặt tài chính giúp ngăn chặn, hạn chế các luồng tiền phi pháp này.

Theo Hải Sơn/Vntinnhanh