Minh bạch giúp ngăn chặn tham nhũng

Hơn 2/3 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng chỉ số năm 2013 đạt điểm dưới 50, trên thang điểm từ 0 (mức tham nhũng nhất) đến 100 (mức trong sạch nhất). 

“CPI 2013 cho thấy các nước vẫn đang phải đối mặt với hiểm họa tham nhũng ở mọi cấp của Chính phủ, từ việc cấp giấy phép ở địa phương cho đến thi hành các luật và quy định”, bà Huguette Labelle, Chủ tịch TI nói.

Trong bảng CPI 2013, Đan Mạch và Niu Di-lân cùng dẫn đầu với 91 điểm mỗi nước. Áp-ga-ni-xtan, Bắc Triều Tiên và Xô-ma-li năm nay đều có kết quả kém nhất, mỗi nước chỉ đạt được 8 điểm. 

Năm nay, Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100. Mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng. So với năm 2012, điểm số của Việt Nam không có sự cải thiện, phản ánh nhận thức rằng các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng đang trì trệ và không hiệu quả. Kết quả này một lần nữa khẳng định lại những đánh giá tương tự của các nhà lãnh đạo Việt Nam, cũng như cảm nhận và trải nghiệm chung của người dân và doanh nghiệp về tham nhũng. So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 7, sau Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và In-đô-nê-xia-a. Trong khu vực, Bru-nây, Lào và Mi-an-ma là những nước có sự cải thiện rõ rệt về điểm số so với năm trước.

“Những nước có xếp hạng cao cho thấy rõ ràng rằng, vấn đề minh bạch có thể hỗ trợ trách nhiệm giải trình và giúp ngăn chặn tham nhũng”, bà Labelle nói. Tuy nhiên, những nước có kết quả tốt hơn vẫn phải đối mặt với các vấn đề còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng lớn như chiếm đoạt nhà nước, tài trợ chiến dịch tranh cử và giám sát các hợp đồng lớn về mua sắm công. 

CPI dựa trên ý kiến của các chuyên gia về tình hình tham nhũng trong khu vực công. Điểm số của các nước có thể được cải thiện nhờ các hệ thống tiếp cận thông tin mạnh mẽ và các quy định điều chỉnh hành vi của công chức, tuy nhiên việc thiếu trách nhiệm giải trình trong khu vực công cùng với các thiết chế công kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến những điểm số về cảm nhận này.

Tham nhũng trong khu vực công có nguy cơ làm suy yếu các sáng kiến toàn cầu

Theo TI, tham nhũng trong khu vực công vẫn còn là một trong những thách thức lớn nhất trên thế giới, đặc biệt ở các lĩnh vực về đảng phái chính trị, cảnh sát và hệ thống tư pháp. Các thiết chế công cần cởi mở hơn về hoạt động của mình và các công chức cần minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định. Việc điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng vẫn còn rất khó khăn.

TI cảnh báo rằng, tham nhũng đang trở thành một rào cản vô cùng lớn đối với những nỗ lực trong tương lai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và nghèo đói. Các thể chế quốc tế như nhóm các nước G20 phải hành động để giải quyết vấn nạn rửa tiền, buộc các doanh nghiệp phải minh bạch hơn và thu hồi các tài sản bị tham nhũng.

“Đã đến lúc cần phải chặn lai những kẻ tham nhũng nhưng thoát khỏi trừng phạt. Những lỗ hổng pháp lý và thiếu quyết tâm chính trị trong Chính phủ đang tạo điều kiện cho tham nhũng tồn tai trong mỗi quốc gia và xuyên biên giới, đồng thời cho thấy cần phải tăng cường những nỗ lực chống lại tình trạng tham nhũng nhưng không bị trừng phạt”, bà Labelle nói.

H.H