Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tối cao Chống tham nhũng mới được thành lập, ông Abdul-Mahdi cho biết, Hội đồng được thiết lập để củng cố sức mạnh của cơ quan nhà nước trong việc chống tham nhũng.
 
Ông Abdul-Mahdi tuyên bố, mục tiêu của Hội đồng là thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hợp nhất các nỗ lực chống tham nhũng của các bên, các cá nhân, ở bất kể vị trí, chức vụ nào. Ông cũng khẳng định, nạn tham nhũng tràn lan ở nước này phải chám dứt vì nó đã làm méo mó hình ảnh, danh tiếng của Iraq ở cả trong nước và trên trường quốc tế.
 
“Chúng ta phải chấm dứt tham nhũng và xem nó là một kẻ thù, như cách mà chúng ta đã làm với khủng bố ISIS”, Thủ tướng Iraq nói, đồng thời nhấn mạnh: "Hội đồng Tối cao Chống tham hũng phải có các quyền thuộc hành chính và pháp lý cần thiết để xử lý các vụ án tham nhũng và được nhận thức về tất cả các chi tiết cũng như được cảnh báo về các vấn đề dẫn đến tham nhũng".
 
Moussa Faraj, cựu Giám đốc Ủy ban Liêm chính công của Iraq nói với Báo Asharq Al-Awsat rằng, vấn đề của Iraq đối với tham nhũng bắt đầu từ nhánh hành pháp của đất nước. Ở chỗ, các quan chức Chính phủ có thể can thiệp và ức chế công việc của các cơ quan độc lập và làm suy yếu những nỗ lực của họ trong chống tham nhũng.
 
Ông Moussa Faraj nói, hệ thống tư pháp của Iraq đã làm chùng xuống các nỗ lực chống tham nhũng. Trong suốt 14 năm phục vụ người dân, ông cho rằng, mình đã hết sức giải quyết các phàn nàn của người dân về những sơ suất trong công việc của các cán bộ, nhân viên khu vực công, nhưng những cố gắng này đã bị cản trở...
 
Trong vài tháng qua, quốc gia này, cụ thể là các tỉnh miền Trung và miền Nam Iraq, đã chứng kiến các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên phản đối các dịch vụ công nghèo nàn, thiếu điện, nước sạch và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ngọc Anh