Chủ tịch TI, bà Delia Matilde Ferreira Rubio ngày 22/5 đã có bài phát biểu tại Abuja - Thủ đô của Nigeria trong Lễ khai mạc Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tốt nhất giải quyết các vấn đề mới nổi được tổ chức bởi Trung tâm Vận động lập pháp xã hội dân sự (CISLAC). Bà Delia Matilde Ferreira Rubio cho biết: "Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) mới nhất của chúng tôi đã chỉ ra, 69% trong tổng số 180 quốc gia mà chúng tôi đã khảo sát có mức điểm dưới 50 theo thang đánh giá của chúng tôi".

“Thang điểm của chúng tôi có mức cao nhất 100 - là đất nước rất trong sạch, đánh giá hoạt động trong khu vực công, và thấp nhất là 0 điểm - rất tham nhũng trong khu vực công". Theo lãnh đạo TI, 69% các nước khảo sát có mức điểm dưới 50. Điều này đồng nghĩa với con số hơn 6 tỷ người đang sống trong bối cảnh chính phủ tham nhũng cao và khu vực tư nhân tham nhũng cao. Họ bị đặt vào nguy cơ bị tham nhũng hàng ngày, cả tham nhũng "vặt" và tham nhũng lớn, bởi tệ nạn này có mặt trong mọi ngóc ngách của cuộc sống các công dân. "Đó là những gì đang bị đe dọa ở đây. Họ phải đối mặt với tham nhũng khi đi tìm một ghế ngồi trong trường học hay khi tới bệnh viện. Họ cũng là nạn nhân của các vụ tham nhũng quy mô lớn", bà Delia nói.

 

Theo xếp hạng mới nhất của TI (công bố ngày 22/2/2018), Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Việc tăng nhẹ điểm CPI trong 2năm liên tiếp (2016 - 2017) được đại diện của TI tại Việt Nam đánh giá là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Cũng theo bà Delia, ở nhiều quốc gia, tham nhũng đã được bình thường hóa như chuyện đương nhiên trong việc kinh doanh và trở thành một thói quen xấu. "Chúng ta phải đấu tranh với điều đó. Chúng ta không thể chấp nhận rằng đó là cách bình thường trong kinh doanh, từ tham nhũng nhỏ cho tới tham nhũng lớn. Chúng ta phải dừng việc lạm dụng quyền hạn một các tùy ý. Hãy ngừng so sánh với các chính quyền tham nhũng. Tham nhũng có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, dù là ở miền Bắc hay miền Nam, nước đang phát triển hay quốc gia nghèo... Sự khác biệt giữa các nước theo đánh giá chỉ số CPI của chúng tôi là cách mà chúng ta phản ứng với tệ nạn này".

 

Chủ tịch TI cho rằng, khái niệm phản ứng chống lại tham nhũng không chỉ đối với các tổ chức đang bị tham nhũng bủa vây mà là phản ứng của toàn xã hội. Bà dẫn lại vụ việc nổi tiếng được biết đến với cái tên "bê bối Toblerone" đã khiến một Phó Thủ tướng phải từ chức bởi đã sử dụng thẻ tín dụng công để mua sôcôla Toblerone. Năm 1995, bà Mona Sahlin - Phó Thủ tướng Thụy Điển bị tố cáo đã chi hơn 50.000 kronor Thụy Điển (SEK), tức khoảng 5.078 euro, trong thẻ tín dụng dành cho công tác để mua sắm riêng, trong đó có kẹo sôcôla Toblerone. Sau đó, bà Sahlin đã thừa nhận sai sót và hoàn trả tiền, nhưng câu chuyện này đã khiến bà mất cơ hội trở thành người kế nhiệm Thủ tướng và phải rút khỏi chính trường một thời gian. "Phải mất hơn 15 năm để quay trở lại chính trường bởi không thể chấp nhận được việc sử dụng thẻ tín dụng công để chi tiêu cho cá nhân, dù chỉ là kẹo sôcôla Toblerone. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu câu chuyện này diễn ra ở đất nước tôi hay ở chính nơi này?", bà Delia đặt câu hỏi.

Tại Hội thảo, Giám đốc điều hành Trung tâm CISLAC, Auwal Ibrahim Musa, cũng kêu gọi Quốc hội Nigeria cần phải công khai chi tiêu ngân sách để công chúng nắm được và tuân thủ các luật đã được thông qua như Luật Tự do thông tin 2011, Luật Mua sắm công 2007...

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Nigeria Oby Ezekwesili và Chủ tịch Hội đồng CISLAC, Ibrahim Ya’u, nhấn mạnh, tham nhũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự kém phát triển của Nigeria; đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng bắt tay tạo nên sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi mối đe dọa tham nhũng.

Hoài Phương