Những cải thiện ít ỏi

Kết quả xếp CPI vừa được công bố cho thấy, hơn 2/3 số quốc gia có điểm dưới 50, bình quân toàn cầu là 43 điểm. Khu vực Châu Á Thái Bình dương có điểm bình quân 45. Điều này cho thấy, sau một vài năm trì trệ, khu vực này đang có cải thiện, dù là rất ít, trong giải quyết tham nhũng.

Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) có đề cập tới Indonesia, như một ví dụ về quốc gia có sự cải thiện trong giải quyết tham nhũng.

Với số điểm 40 (trên thang điểm 100), Indonesia đã tăng 2 điểm CPI, đạt số điểm cao nhất kể từ năm 2012.

Đây là kết quả của các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Indonesia, thông qua Ủy ban chống tham nhũng (KPK), và nỗ lực chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Wawan Heru Suyatmiko, một quản trị viên của TI Indonesia, điểm số của Indonesia vẫn ở dưới 50, vẫn được xem là một chỉ số cho các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng. Đất nước cần đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong các nỗ lực chống tham nhũng và các chương trình nghị sự chống tham nhũng.

Một Ủy ban chống tham nhũng mạnh mẽ

Những nỗ lực thực thi pháp luật nghiêm ngặt của KPK ở Indonesia giúp chống hối lộ, tham nhũng trong hệ thống chính trị. Đáng kể trong đó là việc bắt giữ Chủ tịch Đảng Phát triển Thống nhất vì tội nhận hối lộ (bao gồm mua bán vị trí trong Ban Tôn giáo). Đầu tháng 1 năm nay, KPK được báo cáo là đã cứu Indonesia khỏi khoản thiệt hại tiềm năng khoảng 4,52 tỷ USD trong 4 năm qua.

Theo đó, để có một Ủy ban chống tham nhũng mạnh mẽ, việc tăng cường tính độc lập trong hoạt động của KPK phải là ưu tiên hàng đầu trong ngăn chặn, xóa bỏ tham nhũng ở Indonesia.

Liêm chính chính trị và minh bạch tài chính chiến dịch

Bên cạnh ghi nhận những thành công của KPK, giải quyết tham nhũng vẫn là nhiệm vụ nặng nề đối với toàn hệ thống chính trị Indonesia. Trong đó, cần ưu tiên loại bỏ các mối quan hệ tham nhũng giữa quan chức nhà nước, công chức, người thực thi pháp luật và doanh nhân.

TI Indonesia nhấn mạnh, các đảng chính trị cần thể hiện cam kết cao hơn đối với tính minh bạch, thực thi các biện pháp chống tham nhũng và hành động nhiều hơn để chấm dứt sự miễn trừ. Để thúc đẩy tính minh bạch, các đảng chính trị cần công khai về các quỹ tài trợ chính trị. Tách các khoản tiền lớn ra khỏi đời sống chính trị là điều cần thiết để bảo đảm việc ra quyết định chính trị là để phục vụ lợi ích cộng đồng…

Cùng với đó, minh bạch trong những đóng góp từ các doanh nghiệp cho các chiến dịch chính trị rất quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí liêm chính ở Indonesia. Việc thực thi các hệ thống liêm chính trong kinh doanh và quản lý chống hối lộ đối với các công ty cũng rất quan trọng cho phong trào chống tham nhũng.

TI Indonesia khuyến nghị, để đạt được những tiến bộ thực sự trong chống tham nhũng, Chính phủ Indonesia phải tăng cường tính liêm chính của các cơ quan, tổ chức; bảo đảm vận hành hiệu quả các dịch vụ công; cải thiện giám sát nội bộ và hệ thống thực thi pháp luật bao gồm: cảnh sát, công tố viên và thanh tra. Chính phủ cũng phải hỗ trợ, bảo vệ các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự và báo chí truyền thông trong nỗ lực vạch trần tham nhũng.

PV