Ông Patrick Sandy - Phó Giám đốc Giáo dục và Tiếp cận Cộng đồng đã trình bày báo cáo này trong buổi họp báo Chính phủ được tổ chức tại phòng họp của Bộ Thông tin và Truyền thông ở Thủ đô Freetown. Ông Patrick cho biết, PNB là một hình thức tiếp nhận thông tin trực tuyến, nơi người dân có thể thông tin về hối lộ, tham nhũng mà không cần phải để lại tên hay bất cứ thông tin liên lạc nào. 

Dự án "Pay No Bribe" đã kết thúc giai đoạn 1 vào tháng 3/2017, theo đó đã thu thập được thông tin về tham nhũng, hối lộ trong y tế, giáo dục, nước, điện và thực thi pháp luật (cảnh sát), với sự hỗ trợ về cơ chế của các quận Bo, Bombali, Kenema và khu vực phía Tây.

Ông Patrick Sandy nhấn mạnh, PNB khuyến khích người dân tích cực cung cấp thông tin, không chỉ khi họ bị các quan chức Nhà nước yêu cầu đưa hối lộ mà bất kể họ có phải đưa hối lộ hay không.

Phó Giám đốc cho rằng, dữ liệu từ PNB cho phép nắm bắt các xu hướng tham nhũng trong khu vực. ACC cũng chia sẻ thông tin hàng tháng với MDA - đơn vị thuộc Chính phủ sử dụng các dữ liệu này để giải quyết các vấn đề tham nhũng thông qua các hành động như cải cách hành chính, cải cách chính sách.

Ông cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 6/2017, tổng cộng có 19.437 thông tin gửi tới PNB, trong đó 14.696 thông tin (76%) có nội dung cho biết "Tôi đã đưa hối lộ"; 3.365 (17%) cho biết "Không đưa hối lộ" và 1.376 (7%) cho biết họ đã "Gặp một quan chức trung thực".

Cũng theo ông Patrick Sandy, 41% thông tin mà PNB nhận được liên quan đến lực lượng Cảnh sát, 29% liên quan đến quan chức ngành Y, 19% dính líu đến cán bộ ngành Giáo dục, 4% liên quan ngành Điện và 2% dính líu ngành Nước.

“Mặc dù lực lượng Cảnh sát đứng đầu về thông tin "Tôi đã đưa hối lộ", nhưng đây là con số đã được cải thiện so với tỷ lệ 48,7% trong báo cáo quý I/2017.

Ngọc Anh