4 câu hỏi, tương ứng với 4 biện pháp được đưa ra trưng cầu xoay quanh 3 vấn đề về: Hệ thống tư pháp, các chiến dịch chính trị và cơ quan lập pháp.

Theo kết quả thăm dò từ công ty tư vấn Ipsos Peru, các cử tri tập trung phiếu chấp thuận 3 biện pháp, bao gồm: Tăng minh bạch tài chính các chiến dịch chính trị; kết thúc việc tái tranh cử liên tiếp cho các nhà lập pháp và cải cách việc lựa chọn thẩm phán.

Biện pháp duy nhất không được thông qua là thành lập Thượng viện.

Sáng 9/12, Tổng thống Martin Vizcarra đã đến điểm bỏ phiếu tại Trường Trung học San Antonio ở vùng Moquegua và có phát biểu về tầm quan trọng phải kiềm chế tham nhũng chính trị. Theo Tổng thống Martin Vizcarra, "cuộc trưng cầu dân ý không thay đổi được mọi thứ, nhưng đó là sự khởi đầu của một sự thay đổi mà chúng tôi đang chờ đợi ở Peru".

"Hôm nay, cả nước bỏ phiếu cho nền dân chủ. Mọi người bỏ phiếu cho các cải cách tư pháp mà chúng tôi đã đề xuất và đó là nền dân chủ ở dạng thuần túy nhất", ông Vizcarra nói.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, cuộc trưng cầu không phải động thái sau cùng để có thể đảo ngược lại các hành vi chính trị sai trái trong suốt hàng thập kỷ qua.

"Những gì cuộc trưng cầu có khả năng mang lại cho Chính phủ và hệ thống chính trị là một hơi thở - một chút niềm tin và hy vọng cho người dân rằng nó có thể được áp dụng để vực đất nước dậy", ông Steve Levitsky, một nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard nói.

Trong những năm gần dây, Peru bị rúng động bởi bê bối tham nhũng Odebrecht, là nguyên nhân khiến sự nghiệp của một số chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ La tinh bị lật đổ. Theo đó, Công ty xây dựng Odebrecht của Brazil đã thừa nhận chi khoảng 800 triệu USD cho các quan chức trong khu vực để đổi lấy các hợp đồng công trình sinh lợi.

Ở Peru, bê bối này đã làm vấy bẩn sự nghiệp của gần như tất cả các cựu Tổng thống đang còn sống, gồm 4 cựu nguyên thủ quốc gia đang bị điều tra vì dính líu tới Odebrecht.

 

Người dân Peru mất niềm tin và "chán ngấy" với tham nhũng, khi chỉ 8% còn tin tưởng vào cơ quan lập pháp. Đây là mức thấp nhất trong khu vực, theo khảo sát của Latinobarometro (Tổ chức quan sát dư luận chuyên tiến hành các cuộc thăm dò tại các quốc gia Châu Mỹ La Tinh). Trong khi, Tổng thống Vizcarra cho rằng: "Hệ thống điều hành tư pháp đã sụp đổ".

Và, cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện ngay sau khi ông Vizcarra nhậm chức được coi là một bước quan trọng trong nỗ lực củng cố quyền lực của ông, cũng là một bước thiết yếu để chấm dứt bệnh dịch tham nhũng tại Peru.

 

4 biện pháp cải cách được đưa ra bao gồm:

1. Cải cách việc lựa chọn thẩm phán: Cho phép người dân bỏ phiếu cho các cán bộ được chỉ định bởi một cơ quan có tên “Hội đồng Tư pháp Quốc gia”. Cử tri cũng sẽ bầu ra các thành viên cho Hội đồng mới - những người này sẽ có thời gian làm việc một nhiệm kỳ là 5 năm.

2. Tăng minh bạch tài chính các chiến dịch chính trị: Ngăn cấm các nhóm chính trị nhận các khoản đóng góp từ những kẻ phạm tội và từ những nguồn bất hợp pháp, ẩn danh khác.

3. Kết thúc việc tái tranh cử liên tiếp cho các nhà lập pháp: Chỉ cho phép một nhà lập pháp tái tranh cử sau 1 nhiệm kỳ đứng ngoài cuộc, tương tự như các giới hạn về tái tranh cử liên tiếp đối với vị trí Tổng thống.

4. Thành lập Thượng viện.

 

 

Ngọc Anh