Con số báo cáo này đã gây ra nhiều phản ứng mạnh ở cả trong và ngoài ngành Tòa án.

Trong báo cáo công tác nhiệm kỳ (2015-2019) vừa được công bố, bà Porcell viết rằng, thực tế 75% trong tổng vụ án tham nhũng đang chờ được xét xử đồng nghĩa với việc pháp luật hình sự đã không hoàn thành được mục tiêu của mình khi phải đối mặt với sức mạnh của kinh tế, chính trị, xã hội hoặc truyền thông.

Trước đó, ngày 12/11, bà Porcell đã tuyên bố sẽ từ chức kể từ ngày 2/1/2020. Bà cho biết, trong năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức là cuộc đối đầu trực tiếp đầy cam go chống lại tổ chức tội phạm móc nối với quyền lực, chuyển hàng tỷ USD từ công quỹ sang túi cá nhân.

“Những cuộc điều tra này phải kết thúc bằng các bản án nghiêm khắc và bởi vậy, chúng ta phải nâng cao cảnh giác, yêu cầu thúc đẩy tiến trình kết luận với hình phạt cho những ai phải chịu trách nhiệm cũng như hoàn trả tiền vào công quỹ”, bà nói.

Trước tính nghiêm trọng của con số nêu trên, sau khi báo cáo được công bố, luật sư Ernesto Cedeno đã đệ đơn kiện lên tòa án để có những phán quyết cho vấn đề này.

Ông Cedeno cho rằng, tòa án có đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong phán quyết và xác định việc chậm trễ tư pháp này có phải là do các nguyên nhân ngoài thủ tục pháp lý hay không. Ngoài ra, ông yêu cầu những biện pháp khắc phục phải được thực hiện để tạo sự trôi chảy hơn trong công tác pháp lý.

Sau khi Tổng Chưởng lý Kenia Porcell mãn nhiệm, ngày 2/1/2020, Tòa án sẽ lựa chọn Ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2020-2022. Trong lần bầu chọn này, 3 thẩm phán mới được Tổng thống Panama Laurentino Cortizo bổ nhiệm có thể được đưa ra lấy phiếu gồm: María Eugenia López, Carlos Vásquez Reyes và Maribel Cornejo.

Ngọc Anh