Sự việc bị phát giác khi Bộ trưởng Bộ Giao thông và Cầu đường giao nộp cho Bộ Tài chính 5 triệu đồng Taka (đơn vị tiền tệ Bangladesh, tương đương 60.000 USD) mà CHEC hối lộ sau khi nhận quyền thi công dự án mở rộng đường cao tốc Dhaka- Sylhet.

Hiện CHEC chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng bộ Tài chính Bangladesh A.M.A Muhith khẳng định: “Trên thực tế, CHEC hối lộ không phải để kiếm thêm các hợp đồng mà nhằm xây dựng mối quan hệ với giới chức chính phủ. Vì hành vi này, CHEC chắc chắn buộc phải ngừng các dự án đang triển khai và bị liệt vào danh sách đen. Điều đó đồng nghĩa với việc CHEC sẽ không thể kí kết thêm bất cứ một hợp đồng nào ở Bangladesh trong tương lai”.

Năm 2016, trong chuyến thăm đến Bangladesh của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã kí biên bản ghi nhớ, trong đó Trung Quốc cam kết tài trợ cho Bangladesh 26 dự án với tổng giá trị lên đến 21,5 triệu USD mà dự án nâng cấp đường cao tốc Dhaka-Sylhet là một trong số đó. CHEC được phía Trung Quốc lựa chọn để kí bản hợp đồng thương mại thực hiện dự án với Bangladesh.

Cục Đường bộ Bangladesh (RHD) ước tính chi phí của dự án là 100,000 triệu Taka trong khi con số nhà thầu Trung Quốc đưa ra cao gấp đôi. Nhận định về sự chênh lệch này, ông Abul Kashem Bhuiyan, thành viên Ban giám sát thi công RHD lý giải, RHD đã mời các chuyên gia đầu ngành tham gia phân tích và tính đến cả các yếu tố rủi ro như lạm phát nên không hiểu CHEC đã tính toán dựa trên tiêu chí gì để đưa ra một con số khó chấp nhận như vậy.

Tuy nhiên, dự án vẫn được RHD thông qua, đề xuất lên Ủy ban Kinh tế Bangladesh phê duyệt. Theo nhiều chủ doanh nghiệp tại đây, CHEC đã tận dụng mối quan hệ thân thiết với giới chức chính phủ nhằm giành ưu thế trong đấu thầu và hợp tác với đại lý phân phối vật liệu xây dựng để đội giá chi phí thi công.

Chủ công ty xây dựng lớn ở địa phương cho biết CHEC dễ dàng “tiếp cận” RHD, thậm chí ngay tại văn phòng Cục.

Ibne Alam Hasan, Trưởng ban giám sát dự án của RHD lên tiếng phủ nhận thông tin trên.

Trên thực tế, CHEC thi công đa phần dự án lớn khác tại Bangladesh như phát triển khu kinh tế công nghiệp Cảng Chittagong, phát triển cảng biển Payra, tổ hợp dự án xây dựng tuyến đường biển, đường cao tốc 4 làn dài 160 km và khai hoang đất đai từ Sitakunda đến Cox’s Bazar (dự tính 2,1 tỷ USD).

Võ Như Uyên